Xã Vĩnh Phúc phát triển bền vững cây ăn quả có múi
BHG - Với diện tích cam trên 1.000 ha, trong đó cam Sành có trên 560 ha, cam vỏ vàng trên 460 ha, bưởi đặc sản trên 120 ha, sản lượng thu hoạch năm 2019 ước đạt trên 20.000 tấn, doanh thu từ cây ăn quả ước đạt trên 200 tỷ đồng. Ngoài ra, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) còn trên 100 ha cây ăn quả các loại như nhãn, vải, xoài... Hiện nay, xã Vĩnh Phúc đang quyết tâm phấn đấu trở thành xã trọng điểm cây ăn quả có múi phát triển bền vững tại huyện Bắc Quang.
Người dân xã Vĩnh Phúc thu hái cam Sành. |
Ông Nguyễn Văn Đông, thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc cho biết, vườn cam của gia đình ông trồng, chăm bón, thu hoạch đã ngót 20 năm. Vườn cam Sành khi xưa, nay đã trở thành “rừng cam Sành”, cho lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Ông Đông khẳng định: Nếu chăm bón tốt, “rừng cam Sành” có thể cho thu hoạch nhiều năm nữa. Cây cam càng già, quả cam càng bóng đẹp, chất lượng quả ăn càng ngày càng ngọt. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Hoàng Hải Chủ cho biết, xã Vĩnh Phúc hiện có rất nhiều vườn cam Sành có tuổi đời cả chục năm trở lên vẫn phát triển tốt, cho chất lượng sản phẩm tốt, quả rất ngọt, thậm trí là rất tốt so với cây cam ít tuổi hơn. Cũng chính những vườn cam Sành có tuổi đời cao ấy đã mang đến cho nông dân Vĩnh Phúc rất nhiều tỷ phú về cam. Tiếp chuyện tôi tại vườn cam Sành nhà mình, anh Sùng Diu Sì cho biết thêm, vườn cam nhà anh cũng có tuổi đời từ 13 – 17 năm và vẫn đang cho thu hoạch. Anh Sì đã trồng cam từ năm 1993 đến nay và có thu nhập chính từ 3 ha cây cam Sành. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh vẫn có lãi từ 500 – 700 triệu đồng/năm. Đi lối rẽ khác với anh Sì, vườn cam vỏ vàng, quýt Đường canh của gia đình 2 vợ chồng ông Vũ Văn Đạt lại cho thu nhập ổn định mỗi năm nửa tỷ đồng khi đã trừ hết chi phí.
Vậy làm thế nào để các nhà nông Vĩnh Phúc trồng cam thu được lợi nhuận một cách khá bền vững lâu nay? Ông Đạt, ông Đông, anh Sì đều khẳng định đó là chất lượng sản phẩm làm ra phải tốt, thậm chí phải thật ngon, thật an toàn đối với sức khoẻ của chính họ và người tiêu dùng. Cụ thể, Vĩnh Phúc hiện có trên 500 ha cam Sành đang cho thu hoạch thì có tới 456 ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Ông Nguyễn Văn Đông cho rằng, đưa cây cam trở lại với việc trồng, chăm bón thuận tự nhiên là tốt nhất, bền vững nhất. Ông giải thích, cây cam phải được chăm bón đủ phân gio, dùng thuốc phải đảm bảo đúng liều lượng, đúng danh mục và phun đúng lúc, thời gian dự phòng đúng quy chuẩn. Quan trọng hơn nữa là được thu hái quả đúng thời vụ để dưỡng cây cho các vụ tiếp theo. Đừng “tham bát, bỏ mâm”. Đấy là lời nhắc nhở cho những người trồng cam tại xã Vĩnh Phúc để cây cam bền gốc, xanh cành, trĩu quả mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà vườn qua các năm. Còn mới đây nhất, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng khuyến cáo tới người trồng cam là phải kết thúc thời vụ thu hoạch quả trước ngày 28.2.2020 để tránh tổn hại tới tuổi đời, năng suất cây cam trong mỗi gia đình.
Khảo sát thực tiễn tại xã Vĩnh Phúc còn cho thấy, nhiều gia đình trong xã lại chọn cây bưởi Da xanh Vĩnh Long (hiện có khoảng 120 ha, xoài xanh Sơn La trên 10 ha, nhãn lồng Hưng Yên)... để trồng và đã, đang cho thu hoạch khá. Trao đổi với các gia đình đều có chung một nhận xét, mỗi hộ có một cách làm, một hướng đi khác nhau để có thu nhập ổn định từ các loại cây ăn quả khác nhau. Và họ đều cho rằng, những nông dân trong xã Vĩnh Phúc đã, đang tìm cách sản xuất nào “ít” cạnh tranh nhất, có nhiều “lợi thế” nhất để phát triển. Và chính cách làm trên đã giúp cho những nông dân trong xã tránh được phần nào hiện trạng “Được mùa – Mất giá” trong nhiều năm qua. Nhiều hộ cho rằng, cách làm của họ là để tránh tình trạng cạnh tranh sản xuất với nhau một cách không đáng có. Để từ đó, các sản phẩm làm ra có chỗ tiêu thụ, có thị trường. Điều quan trọng nữa là tránh hiện trạng thi nhau trồng, rồi mất mùa, mất giá lại thi nhau chặt gây thất thoát tiền bạc, thời gian, công sức lao động...
Phát triển cây ăn quả có múi một cách thận trọng, có chất lượng là lời giải bài toán sản xuất bền vững của nông dân xã Vĩnh Phúc hiện nay rất cần được quan tâm, nhân rộng.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc