Phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà mang Chỉ dẫn địa lý "Mèo Vạc"
BHG - Những giọt mật ong Bạc hà sánh mịn, thơm ngon, bổ dưỡng chỉ có ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn lâu nay đã trở thành thương hiệu nức tiếng. Món quà đặc sản tinh túy được thiên nhiên ban tặng không chỉ góp phần mạnh mẽ vào công cuộc giảm nghèo, mà còn làm thay đổi cuộc sống cho bao người dân nơi miền đá xám. Để khai thác tiềm năng đó, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” năm 2019 - 2020.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản kiểm tra mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong Bạc hà. |
Từ tháng 10 dương lịch, khi tiết trời trở lạnh mang theo cái rét đầu Đông cũng là lúc hoa Bạc hà bắt đầu khoe sắc tím, nở rộ giữa những triền núi đá tai mèo, báo hiệu một mùa thu hoạch mật ong Bạc hà đã đến. Tại 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; người nuôi ong liên tục di chuyển đàn đến các vùng hoa để lấy mật. Với diện tích cây hoa Bạc hà có quy mô trên 5.000 ha, và 37.382 đàn ong; sản lượng mật năm 2019, đạt 218.7 tấn. Mật ong Bạc hà có màu vàng xanh, giúp tăng cường, bồi bổ sức khỏe nên được người tiêu dùng tin tưởng ưa chuộng. Vì vậy, việc phát triển mật ong Bạc hà theo chuỗi giá trị, thực sự trở thành hàng hóa nổi trội, riêng biệt, nguyên chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), có mã vạch truy xuất nguồn gốc, nhằm nâng cao vị thế, uy tín cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đây là cơ sở tổ chức lại sản xuất cho người nuôi ong tham gia nhóm sở thích, HTX và thu hút các doanh nghiệp, HTX làm đầu mối liên kết thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu...
Căn cứ kết quả khảo sát, thống nhất với 4 huyện thuộc vùng Chỉ dẫn địa lý và các cơ sở chăn nuôi, sơ chế mật ong Bạc hà; Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng các mô hình áp dụng hệ thống quản lý ATTP theo tiêu chuẩn HACCP cho cơ sở chế biến mật ong; áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP cho cơ sở chăn nuôi ong. Đến nay, 243 hộ sản xuất, kinh doanh mật ong Bạc hà được tập huấn thực hiện các quy trình HACCP, VietGAHP; 60/60 mẫu sản phẩm được lấy để kiểm tra chất lượng và lưu mẫu đối chứng để làm cơ sở kiểm soát, giám sát chất lượng. Thực hiện hoàn thành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ATTP, cấp chứng nhận tiêu chuẩn HACCP cho 7 cơ sở chế biến mật ong và chứng nhận VietGAHP cho 9 cơ sở nuôi ong. Các cơ sở trên có đủ điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, cam kết duy trì ổn định hệ thống quản lý ATTP.
Ông Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, huyện Mèo Vạc cho hay: “HTX có 2.500 đàn ong, mỗi năm thu trên 10.000 lít mật; giá bán đạt 500 nghìn đồng/lít; sản phẩm đang tiêu thụ ở hệ thống siêu thị BigGreen và nhiều nơi khác. Để đạt các chứng nhận HACCP, VietGAHP; cơ sở luôn tuân thủ các quy trình chăn nuôi, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ. Vừa qua, sản phẩm mật ong của HTX được công nhận đạt chất lượng 4 sao trong chương trình OCOP; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; có mặt trong gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh… Ngoài việc đầu tư dây chuyền sản xuất bằng công nghệ máy hạ thủy phần và mục tiêu của HTX là mở rộng địa bàn nuôi ong ở 6 xã trên địa bàn huyện để sản xuất lượng mật lớn hơn, tạo thêm việc làm, thu nhập cho các thành viên.
Theo kế hoạch đến năm 2020, việc bảo tồn và phát triển đàn ông nội tại 4 huyện vùng cao là 45.000 đàn và mở rộng diện tích cây hoa Bạc hà quy mô 5.500 ha. Đồng thời, 100% các doanh nghiệp, HTX sản xuất, sơ chế và kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà mang Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” phải công bố tiêu chuẩn của sản phẩm và có mã vạch truy xuất nguồn gốc; 70% sản phẩm mật ong Bạc hà được tiêu thụ thông qua hệ thống kênh tiêu thụ của các doanh nghiệp, HTX, đầu mối liên kết với hộ nông dân, nhóm sở thích, HTX; 80% các cơ sở nuôi ong, sơ chế và chế biến sản phẩm mật ong Bạc hà nằm trong vùng Chỉ dẫn địa lý. Với quan điểm quản lý sản xuất an toàn từ gốc cho đến sản phẩm cuối cùng, đây là khâu quan trọng để giải quyết, ngăn chặn mật ong Bạc hà bị pha trộn, làm giả, làm nhái lưu thông trên thị trường và cũng là bước đệm để tiếp tục tạo ra những sản phẩm OCOP - ông Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc