Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại ở Hoàng Su Phì

14:39, 10/02/2020

BHG - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.

Trang trại nuôi gà hàng hóa của gia đình ông Phan Hữu Tụ, thị trấn Vinh Quang.
Trang trại nuôi gà hàng hóa của gia đình ông Phan Hữu Tụ, thị trấn Vinh Quang.

Đến thăm mô hình chăn nuôi gà hàng hóa của gia đình ông Phan Hữu Tụ, tổ 3, thị trấn Vinh Quang; chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước quy mô chăn nuôi lên đến hàng chục nghìn con gà. Từ năm 2015, gia đình ông đã chăn nuôi gà với quy mô khoảng 6.000 – 7.000 con; lợi nhuận mỗi năm thu về khoảng trên 300 triệu đồng. Không bằng lòng với những gì đã có, ông tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm 6.000 con gà xương đen và khoảng 3.000 con gà ta chân vàng, gà siêu trứng Ai Cập và gà Đông Tảo. Gia đình ông vừa bán gà con giống vừa bán gà thịt cho thương lái; bình quân 4,5 tháng ông xuất bán một lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng 6.000 con và mỗi năm xuất bán khoảng 12.000 con gà giống ra thị trường. Trang trại của gia đình ông luôn tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 6 lao động địa phương, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Theo nhẩm tính của ông Tụ, gia đình ông thu lãi khoảng trên 500 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi gà.

Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, nhưng gia đình anh Lù Văn Chương, thôn Nấm Ản, xã Tụ Nhân lại lựa chọn chăn nuôi trâu hàng hóa. Gia đình anh tìm mua trâu gầy tại các xã lân cận về nuôi vỗ béo, sau khoảng 3 – 6 tháng, khi trâu đạt trọng lượng sẽ xuất bán cho các thương lái hoặc các cơ sở giết mổ. Bình quân mỗi con trâu xuất bán, gia đình anh thu lãi khoảng 5 – 8 triệu đồng. Hiện, gia đình anh thường xuyên duy trì số lượng đàn trâu từ 10 – 15 con trâu trong chuồng. Tận dụng nguồn phân trâu, anh Chương còn xây dựng bể hơn 200 m2 để nuôi giun quế; từ nguồn giun quế, gia đình anh sản xuất ra cám để chăn nuôi lợn, gà và làm phân bón cho cây trồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh còn thu lãi khoảng trên 300 triệu đồng mỗi năm. Anh Chương chia sẻ: “Tôi nhận thấy việc phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy nhiên, để duy trì và phát triển ổn định theo quy mô lớn, đòi hỏi phải thực hiện tốt các biện pháp trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, cần phải có nguồn vốn lớn để đầu tư chuồng trại, con giống. Tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay để người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình chăn nuôi với quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Là huyện thuần nông, Hoàng Su Phì xác định phát triển chăn nuôi là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, huyện; đến nay, Hoàng Su Phì có 36 gia trại và 1 trang trại chăn nuôi, gồm: 7 gia trại trâu, bò; 20 gia trại lợn, 7 gia trại dê, 2 gia trại gia cầm và 1 trang trại gia cầm. Trong năm 2019, huyện xuất bán được 5.461 tấn thịt hơi các loại; trong đó, sản lượng thịt trâu là 431 tấn, số trâu xuất chuồng đạt 1.874 con; sản lượng thịt bò là 118,4 tấn, số bò xuất chuồng đạt 665 con; sản lượng thịt dê là 224,6 tấn, số dê xuất chuồng đạt 11.228 con; sản lượng thịt lợn là 3.918 tấn, số lợn xuất chuồng đạt 87.078 con; sản lượng thịt gia cầm là 769 tấn, số gia cầm xuất chuồng đạt 496.880 con. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện đạt 330 tỷ đồng, chiếm 30,1% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi lạc hậu. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi như: Hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 1 con trâu hoặc bò giống để phát triển kinh tế; hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, làm chuồng trại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi; xây dựng các nhóm cùng sở thích chăn nuôi để hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển sản xuất…

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

VietinBank Hà Giang triển khai nhiệm vụ năm 2020

BHG - Sáng 8.2, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Giang (VietinBank Hà Giang) tổ chức Hội nghị người lao động, triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020 và tổ chức đối thoại với người lao động. Dự hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Giang, Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh.

08/02/2020
Nhộn nhịp giao dịch tín dụng đầu Xuân

BHG - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh và các phòng giao dịch (PGD) trên địa bàn đều đã hoạt động trở lại với không khí hết sức sôi động. Cùng với việc khẩn trương thực hiện giao dịch cho các tổ chức, cá nhân; cán bộ, nhân viên toàn ngành cũng thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm mới 2020.

 

07/02/2020
Người đưa cây Ổi lê về đất Tiên Nguyên

BHG - Ổi lê có ưu điểm quả ngọt, mọng nước, dày cùi, nhanh cho thu hoạch, giá cả và thị trường đầu ra ổn định, cho thu nhập cao. Cây Ổi lê được anh Lý Văn Hải, sinh năm 1984, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình đưa vào thử nghiệm và mở rộng diện tích đã từng bước thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Đây được xem là loại cây trồng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.

07/02/2020
Rộn ràng sản xuất vụ Xuân ở Quang Bình

BHG - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân huyện Quang Bình khẩn trương cày ải, gieo cấy, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Xuân. Vụ Xuân này, huyện Quang Bình phấn đấu gieo cấy 1.799,8 ha lúa với các giống lúa thuần như: HT1, Bắc thơm số 7, Khang dân 18, PC6, BG1, Thiên ưu 8... Lúa lai sử dụng các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 725, Việt lai 20, HKT 99, TH 3-3, TH 3-5, CT 16…

 

07/02/2020