Người đưa cây Ổi lê về đất Tiên Nguyên
BHG - Ổi lê có ưu điểm quả ngọt, mọng nước, dày cùi, nhanh cho thu hoạch, giá cả và thị trường đầu ra ổn định, cho thu nhập cao. Cây Ổi lê được anh Lý Văn Hải, sinh năm 1984, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình đưa vào thử nghiệm và mở rộng diện tích đã từng bước thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Đây được xem là loại cây trồng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Vườn Ổi lê của gia đình anh Lý Văn Hải. |
Là người đầu tiên đưa cây Ổi lê về trồng thí điểm và đạt hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã, anh Hải chia sẻ: Năm 2014, anh lên đây để làm chè, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, rất thuận lợi cho trồng trọt. Đặc biệt, người dân ít trồng các loại cây ăn quả… anh đã về quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đưa giống Ổi lê, Bưởi diễn và Cam vinh lên trồng thử nghiệm với 200 cây ổi, 200 cam và 50 gốc bưởi với diện tích hơn 1ha. Sau 2 năm đưa vào trồng, cây ổi sinh trưởng với năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian thu hoạch nhanh (từ 3,5 - 4 tháng), trung bình mỗi sào ổi thu hoạch được 2 tấn quả. Cây ổi cho ra trái quanh năm nên gia đình có thu nhập thường xuyên.
Cũng theo anh Hải, giống ổi là khâu quyết định đến chất lượng quả. Vì vậy, người trồng cần tìm mua những cây giống ở cơ sở bảo đảm, không nên tự ý nhân giống. Muốn cây sinh trưởng tốt phải cắt tỉa cành thường xuyên và đúng kỹ thuật để giúp cây phát triển tán, cành. Cây ổi cần ánh sáng và sự thông thoáng nên trung bình một sào trồng từ 35 - 40 cây. Đồng thời, khi quả bằng ngón tay cái cần bọc túi nilon để tránh bị ong châm cũng như mắc các loại sâu, làm ảnh hưởng chất lượng quả. Nhận thấy hiệu quả từ trồng ổi mang lại, anh Hải đã mở rộng quy mô từ 200 lên 500 cây trên diện tích gần 3 ha. Với giá bán từ 20 - 25.000đ/kg, 2 năm trở lại đây, thu nhập của gia đình anh mỗi năm từ 80 - 100 triệu đồng. Để mở rộng thêm diện tích và quy mô, hiện tại, anh liên kết với 2 gia đình trong thôn cùng thực hiện trồng mới 500 gốc ổi. Anh Hải cũng mong muốn thành lập HTX để tạo dựng và đưa thương hiệu Ổi Tiên Nguyên đến với người tiêu dùng trong và ngoài huyện, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế từ nông nghiệp và việc làm cho người dân nơi đây. Phó chủ tịch UBND xã Tiên Nguyên, Hoàng Văn Tuyền cho biết: Để hỗ trợ cho gia đình anh Hải cũng như các hộ dân trong xã có điều kiện phát triển kinh tế và mở rộng sản xuất; cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi như Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh về nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cùng với đó, địa phương cũng xem xét lựa chọn các loại sản phẩm đặc trưng trong đó có Ổi lê để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Từ kết quả trên, cây ổi hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống. Đây được xem là mô hình mới, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho nông dân Tiên Nguyên, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Bài, ảnh: K. Duyên – Tr. Hậu (Quang Bình)
Ý kiến bạn đọc