Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nông sản chủ lực
BHG - Xác định sản xuất nông nghiệp là một trong những trụ cột chính trong phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó, khuyến khích ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như chè, mật ong, tinh bột nghệ... luôn được tỉnh ưu tiên, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, mở rộng thị trường, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương. Để hiện thực hóa những vấn đề đó, trong năm qua, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương (Sở Công thương) luôn chủ động triển khai các đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thô (CNNT) trên địa bàn từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Qua đó, góp phần giúp các cơ sở CNNT đẩy mạnh sản xuất, chế biến và nâng cao giá trị sản phẩm.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương kiểm tra hệ thống sấy chè của HTX thương mại Vận tải Tuấn Băng (Xín Mần). Ảnh: CTV |
Năm 2019, hoạt động khuyến công được triển khai ở hầu khắp các huyện, thành phố. Nội dung hỗ trợ bám sát nhu cầu thực tế của các các cơ sở CNNT trên địa bàn đã mang lại hiệu quả KT – XH và lợi ích thiết thực cho người lao động; có tác động tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất CNNT phát triển, tạo điều kiện cho nhiều ngành, nghề mới được hình thành, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vào chế biến; đặc biệt, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã dần được thị trường tiêu thụ biết đến qua uy tín và chất lượng như: Tinh bột nghệ, chè, mật ong, thịt hun khói, ớt gió...
Kết quả trong năm 2019, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương đã phối hợp với các ban, ngành hữu quan triển khai hiệu quả 16 đề án cho 25 nội dung hỗ trợ và 1 hoạt động phục vụ công tác khuyến công (CTKC) với số kinh phí hỗ trợ 1.820 triệu đồng. Trong đó: Khuyến công quốc gia hỗ trợ 2 đề án với kinh phí 900 triệu đồng; khuyến công địa phương hỗ trợ 14 đề án với số kinh phí 1.793 triệu đồng và 1 hoạt động phục vụ CTKC khai hiệu quả 17 nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất: Dệt vải lanh thổ cẩm, tinh bột nghệ, đồ mỹ nghệ lưu niệm, chè xanh, dược liệu, rượu nàng cay,… trên địa bàn các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thành phố Hà Giang. Từ đó, trang bị cho các cơ sở sản xuất những thiết bị tiên tiến, hiện đại; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế của sản phẩm. Triển khai hiệu quả 4 nội dung hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu cho sản phẩm: Ớt gió ngâm giấm nho quế, tinh bột nghệ phong lưu mê cung, trà khổ qua rừng, chè xanh Vinh Sính trên địa bàn các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Bắc Quang với số kinh phí 135 triệu đồng. Triển khai 4 nội dung hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm: Ớt gió ngâm giấm nho quế, tinh bột nghệ phong lưu mê cung, trà khổ qua rừng, chè xanh Vinh Sính trên địa bàn các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Bắc Quang với số kinh phí 135 triệu đồng.
Qua hỗ trợ, hầu hết các đơn vị thụ hưởng đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ vào hoạt động sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên năm 2019, CTKC cũng còn một số hạn chế cần khắc phục trong năm 2020, như: Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, đặc biệt là bố trí tối thiểu 1 cán bộ chuyên trách về CTKC cấp huyện, thành phố; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ viên chức làm CTKC; đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng của các đề án khuyến công; lựa chọn các đề án có tính trọng tâm, trọng điểm tham mưu trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ...
Có thể nói, CTKC đã thực sự động viên, khuyến khích và huy động được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX đầu tư vào lĩnh vực sản xuất CNNT, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến những sản phẩm thế mạnh tại địa phương. Qua đó, góp phần mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho một số doanh nghiệp, xây dựng được những thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh; góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT – XH trên địa bàn tỉnh.
Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc