Đồng Văn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
BHG - Thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, huyện Đồng Văn đã vận dụng cơ chế, chính sách, ban hành các đề án, chương trình và đề ra mục tiêu, kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng năm. Sau thời gian ngắn triển khai, bước đầu đã tạo ra vùng sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị sử dụng trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác; góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện.
Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng chuẩn bị cây lê giống cung cấp cho người dân. |
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn cho biết: Những năm qua, Phòng đã chủ động tham mưu cho huyện triển khai thực hiện ở một số lĩnh vực theo nhu cầu của người dân, cụ thể: Trong chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) theo chủ trương của tỉnh, huyện đã khảo sát và tiến hành bình chọn bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại các hộ chăn nuôi; phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phố Bảng tổ chức mở các lớp tập huấn cho cán bộ thú y, nông nghiệp và Trưởng ban Thú y của các xã, thị trấn về quy trình, kỹ thuật TTNT; phổ biến kiến thức cơ bản cho người dân cách nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái. Với cách triển khai chủ động, tích cực, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện TTNT cho 2.011 con bò, đạt trên 150% kế hoạch tỉnh giao và trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong TTNT cho đàn bò.
Từ thực tế số lượng đàn gia súc lớn, diện tích cỏ phục vụ cho chăn nuôi tăng theo từng năm. Huyện đã giao cho Trạm Khuyến nông phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện ủ chua cỏ dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Thời gian đầu thực hiện với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước hỗ trợ 100% túi nilon, bột cám ngô, muối; người dân đóng góp 100% thức ăn thô xanh, công lao động. UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ xuống tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, các bước ủ chua cỏ, đảm bảo dự trữ từ 4 - 5 tháng. Cách làm này đã giúp cho các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn có chất lượng tốt cho gia súc, giảm thiểu tình trạng gia súc chết do đói, rét trong mùa Đông. Từ năm 2016 – 2019, huyện đã đã vận dụng chính sách hỗ trợ trên 1,486 tỷ đồng hỗ trợ trồng và ủ chua cỏ tại 19/19 xã, thị trấn.
Một trong những chương trình mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của huyện phải kể đến là Đề án phát triển cây lê. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, huyện sẽ trồng mới 66,6 ha và được thực hiện tại 8 xã, thị trấn. Về cơ chế chính sách, huyện hỗ trợ người dân trồng mới 8 triệu đồng/ha; được hỗ trợ lãi suất trồng lê vay vốn tối đa 15 triệu đồng/ha trong thời gian 5 năm, với lãi suất 0,65%/tháng thông qua Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, huyện hỗ trợ người dân cải tạo cây lê già cỗi, kém chất lượng với mức hỗ trợ 10.000 đồng/cây, tối thiểu mỗi hộ được hỗ trợ 50 cây (tương đương 0,1 ha), không hạn chế diện tích tối đa; kết quả tính đến đầu năm 2020, toàn huyện đã trồng được gần 150 ha cây lê, vượt xa so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, huyện còn thực hiện một số chương trình hỗ trợ khác như: Hỗ trợ mở rộng diện tích trồng rau trái vụ, hỗ trợ phát triển cây Bạc hà nuôi ong nội…
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: Thành tích đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp những năm qua có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giúp người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi mà còn từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đây sẽ là những tiền đề, động lực quan trọng để huyện tập trung thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới đây.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc