Đồng Văn củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã
BHG - Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã có những giải pháp nhằm củng cố, khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn nâng cao chất lượng hoạt động nhằm đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhâp cho người dân địa phương.
Sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX Trường Anh, tổ 3, thị trấn Đồng Văn được xuất bán cho các siêu thị ngoài tỉnh. |
Để các HTX trên địa bàn hoạt động hiệu quả, Ban đại diện Liên minh HTX huyện Đồng Văn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện chủ động rà soát, đánh giá chất lượng củng cố lại quy mô hoạt động của HTX đúng với yêu cầu phát triển kinh tế tập thể theo Luật HTX năm 2012; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao khả năng tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho các HTX; làm tốt công tác xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX, THT phát triển cả về chất và lượng. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để HTX, THT được tiếp cận với các chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện nhằm tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh; giúp tăng cường tính tự chủ, nâng cao vai trò, năng lực cạnh tranh, phát huy tối đa sức mạnh của khu vực kinh tế tập thể.
Đến nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 36 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 36/36 THT đã có hợp đồng chứng thực của UBND xã, thị trấn. Tổng doanh thu năm 2019 ước đạt 2.500 triệu đồng, lãi bình quân đạt khoảng 120 đến 150 triệu đồng/THT/năm. Tổng số lao động trong THT là 207 người, trong đó lao động là thành viên 177 người, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Các THT từng bước có chuyển biến về nhận thức, đổi mới về phương thức trong hoạt động cũng như tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh; bước đầu đã phát huy được vai trò của tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, việc liên kết chưa bền vững, phần lớn theo thời vụ hoặc sự việc; quy mô thành viên không đủ lớn, mới chỉ dừng lại ở tổ, nhóm, dòng họ, gia đình; kiến thức về sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ, đặc biệt nguồn vốn hoạt động còn thiếu, gây nhiều khó khăn trong việc triển khai phương án sản xuất, kinh doanh.
Đối với HTX, hiện có 42 HTX; trong đó có 26 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 10 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ; 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của huyện; các HTX được kiện toàn, quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh ngày một mở rộng. Nhiều HTX đã tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị máy móc, tập trung đầu tư, chế biến các mặt hàng nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; một số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã chú trọng sản xuất những mặt hàng sạch, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Sản phẩm rau Bắp cải, mật ong, chè, may mặc, thực phẩm qua chế biến. Tiêu biểu phải kể đến HTX Thiên Hương đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò, ngựa vỗ béo với kinh phí trên 2 tỷ đồng; HTX Nông nghiệp Po Mỷ mở rộng đầu tư sang trồng dược liệu với kinh phí 500 triệu đồng; HTX Trường Anh nuôi ong nội, trung bình mỗi năm bán ra thị trường trên 3.000 lít mật ong Bạc hà, mang về doanh thu 1,5 tỷ đồng…
Hoạt động của các HTX đã từng bước phát huy được hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đem lại thu nhập đáng kể cho các thành viên và nông dân; đồng thời khẳng định được vị trí, vai trò của HTX trong xây dựng NTM. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Đồng Văn, doanh thu của các HTX trong năm 2019 ước đạt 43 tỷ 480 triệu đồng; lãi bình quân trong năm ước đạt 180 - 250 triệu đồng/HTX. Tổng số thành viên HTX là 455 người với thu nhập bình quân đạt từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Thực tế cho thấy, ở những nơi có HTX, THT thì đời sống nhân dân, nhất là nông dân sẽ khá hơn so với những nơi chưa phát triển được HTX. Một số địa phương có cách làm hay, hiệu quả trong vận động, phát triển mới HTX, như: Thị trấn Đồng Văn, Phố Bảng, xã Lũng Cú, Má Lé, Lũng Phìn, Lũng Táo, Sà Phìn...
Đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho rằng: Hiệu quả hoạt động của HTX, THT đã được khẳng định, phát triển đa dạng và ngày một xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ tốt cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Không chỉ vậy, các HTX, THT còn đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả; góp phần hoàn thành tiêu chí 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị thế của các HTX, THT trong xây dựng NTM, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, đồng thời, khuyến khích thành lập các HTX, THT theo ngành nghề, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc