"Quả ngọt" giảm nghèo
Xuân 2020 - Là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chiếm 43,65%, trong đó các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ có tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 64,03%. Với quyết tâm giảm nghèo bền vững, không để hộ nghèo nào bị bỏ lại phía sau; tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững với mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm, các huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm và hạn chế tái nghèo; chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, thu hồi, luân chuyển, nhân rộng mô hình Quỹ phát triển cộng đồng để bảo toàn nguồn vốn; tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, đảm bảo tính bền vững trong giảm nghèo. Qua đó, các chương trình, dự án về giảm nghèo đi vào thực chất.
Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người dân phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, vươn lên thoát nghèo. |
Bên cạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được xem là “chìa khóa” giúp người lao động có “cần câu” để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Các cấp, ngành tập trung đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; thực hiện đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm”; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,6%, qua đào tạo nghề đạt 42,8%.
Song hành với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho người lao động luôn được tỉnh đặc biệt chú trọng. Sở LĐ - TB&XH quan tâm, mở rộng thị trường lao động; đẩy mạnh liên kết và cung ứng lao động cho các tỉnh; đổi mới hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp. Trong năm, Sở đã chủ trì và phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tổ chức 8 hội chợ việc với gần 7.000 lao động tham gia; 139 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho trên 10.000 người, tại các hội nghị đã giới thiệu việc làm cho 1.507 lao động. Giải quyết việc làm mới cho 21.000 lao động, trong đó lao động làm việc tại địa phương 8.050 người, đi làm việc ngoài tỉnh 11.932 người; đi xuất khẩu 1.018 người; thực hiện cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm số tiền 34 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, toàn tỉnh giảm được 7.251 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 26,73% (giảm 4,43% so với năm 2018). Có hàng trăm hộ nghèo đã được xây dựng nhà ở kiên cố.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Sùng Đại Hùng cho biết: Trong giai đoạn tiếp theo, để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững; các cấp, ngành cần tập trung vào các nhóm giải pháp: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của T.Ư, của tỉnh về phát triển KT - XH và giảm nghèo; đổi mới công tác truyền thông nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo; chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi; phân bổ nguồn lực công khai, minh bạch và tập trung vào các vùng khó khăn, vùng nghèo trọng điểm; lồng ghép nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo; tập trung thực hiện các chính sách trợ giúp phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo”.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc