Nghề nuôi cá lồng ở xã Yên Phong
BHG - Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở huyện Bắc Mê phát triển cả về số lượng, chủng loại và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, tại xã Yên Phong, nghề nuôi cá lồng đang đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân nơi đây.
Thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản xã Yên Phong thu hoạch cá. |
Cùng cán bộ xã đến thăm mô hình nuôi cá lồng của HTX Nuôi trồng thủy sản xã Yên Phong - một trong những HTX tiêu biểu của địa phương. Bác Hoàng Thế Lực, thành viên HTX chia sẻ: Trước đây chưa có lòng hồ, chúng tôi thường bắt tôm, cá trong tự nhiên; khi thủy điện dâng, diện tích mặt nước rộng lớn, nước trong xanh quanh năm rất thuận lợi cho việc thả cá; tôi cùng một số hộ gia đình đã đầu tư lồng bè nuôi các loại cá Chép, Rô phi, riêng giống cá Lăng chấm mới được đưa vào nuôi thử nghiệm; qua theo dõi, loài cá này hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nguồn nước ở đây… Năm 2018, chúng tôi thành lập HTX với 10 thành viên; hiện đang nuôi 18 lồng; mỗi năm xuất bán khoảng 2 tấn cá thương phẩm, giá trung bình khoảng 80 - 100 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu về giúp chúng tôi trang trải cuộc sống gia đình.
Xã Yên Phong nằm dọc sông Gâm, đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân trong xã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng. Tính đến nay, toàn xã có 34 lồng cá với nhiều chủng loại như cá Chép, Trắm, Nheo và một số loài cá đặc sản như cá Chiên, Bỗng... Những loại cá này có giá trị kinh tế rất cao, phù hợp với chế độ nước của sông Gâm. Nuôi cá lồng trên lòng hồ có ưu thế là nước sạch, hàm lượng oxy lớn nên cá lớn nhanh, ít bị bệnh, chất lượng thịt thơm, ngon. Việc nuôi cá lồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Lệ cho biết: Yên Phong là một trong những địa phương của huyện Bắc Mê có điều kiện khai thác mặt nước lòng hồ; các mô hình nuôi cá lồng trên sông phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Thời gian qua, xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi cá cách chăm sóc, phòng tránh bệnh dịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ trong việc liên kết với các doanh nghiệp, nhà hàng tiêu thụ sản phẩm thủy sản của người dân.
Hiện nay, thương hiệu cá lòng hồ ở Yên Phong được thị trường cũng như người tiêu dùng rất ưa chuộng; sản phẩm được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Có thể nói, phát triển chăn nuôi thủy sản ở xã Yên Phong đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định; đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT – XH của địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc