Cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Văn
BHG - Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung dựa trên thế mạnh, lợi thế so sánh của mỗi vùng miền. Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu đề ra, huyện đã ban hành nhiều chương trình thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả sau thời gian triển khai, đến nay đã dần tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với nhiều sản phẩm chất lượng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân.
Người dân xã Phố Cáo trồng rau chuyên canh. |
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn cho biết: Bước vào triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, huyện xác định rõ những khó khăn, thách thức, từ đó có giải pháp, hướng tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển nền nông nghiệp sạch, ưu tiên việc đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc duy trì, mở rộng diện tích gieo trồng các cây ngô, lúa theo hướng thâm canh; cùng đó là xác định, tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương như cây lê, dược liệu; bò, lợn, dê, ong thông qua các chương trình cụ thể với lộ trình thực hiện theo từng năm.
Trong chăn nuôi, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04. Với quan điểm phát triển chăn nuôi toàn diện, đa dạng, tạo khâu đột phá, trong đó chú trọng phát triển các loại con giống bản địa có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh; vận dung linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh về hỗ trợ vốn vay phát triển đàn bò, ong… huyện đã thẩm định, phê duyệt cho các hộ dân vay vốn, với số kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Đến tháng 12.2019, toàn huyện đã có 124.921 con gia súc; 530.000 con gia cầm; phát triển đàn ong nội lên tới trên 12.000 đàn. Cùng với đó, huyện Đồng Văn triển khai quyết liệt công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho đàn bò, ủ chua thức ăn cho gia súc, trở thành điểm sáng về áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Toàn huyện TTNT được trên 3.288 con gia súc, vượt kế hoạch tỉnh, huyện giao; xây dựng được 75 gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc...
Trong phát triển các loại cây trồng, huyện xây dựng Đề án phát triển cây lê giai đoạn 2016 – 2020; tiến hành trồng mới 66,6 ha, thực hiện tại 8 xã, thị trấn trong huyện là Lũng Cú, Sảng Tủng, Sủng Là, Phố Cáo, Phố Là, Lũng Táo, thị trấn Phố Bảng và Đồng Văn. Về cơ chế chính sách, huyện hỗ trợ người dân trồng mới 8 triệu đồng/ha; được hỗ trợ lãi suất vay vốn trồng lê tối đa 15 triệu đồng/ha trong thời gian 5 năm, lãi suất 0,65%/tháng thông qua Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, huyện hỗ trợ người dân cải tạo cây lê già cỗi, kém chất lượng với mức hỗ trợ 10.000 đồng/cây, tối thiểu mỗi hộ được hỗ trợ 50 cây (tương đương 0,1 ha). Tất cả các hộ có diện tích lê đã trồng, có nhu cầu trồng, tham gia trồng mới cây lê đều được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm; nguồn kinh phí thực hiện được vận dụng, lồng ghép từ Chương trình 135, 30a, vốn sự nghiệp nông nghiệp, khoa học của tỉnh cấp hàng năm hỗ trợ các hộ theo chính sách hiện hành. Với cách triển khai đồng bộ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, đơn vị chức năng, sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình trồng mới, cải tạo cây lê của huyện Đồng Văn đạt được kết quả ngoài mong đợi. Tính đến năm 2019, huyện Đồng Văn đã trồng mới được trên 80 ha cây lê.
Đặc biệt, hàng năm huyện bố trí kinh phí hỗ trợ trồng từ 300 - 500 ha cây Tam giác mạch, cây hoa cải tạo cảnh quan thu hút khách du dịch và phục vụ lễ hội của tỉnh; trồng cây dược liệu Đương quy, Đẳng sâm, Bạch truật, xuyên khung, Thảo quả với diện tích gần 90 ha tại các khu vực có điều kiện; quy hoạch vùng trồng rau chuyên canh, rau trái vụ tại các xã Sảng Tủng, Phố Cáo, Thài Phìn Tủng, Lũng Cú, thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn. Cùng đó, huyện đã tập trung khuyến khích phát triển các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, tạo sự đột phá trong việc liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX đã chú trọng việc sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thành công thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, điều này đã làm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình khu vực nông thôn, tiêu biểu như: HTX Thành Công, thôn Bản Mồ, thị trấn Đồng Văn với sản phẩm ớt gió ngâm tỏi; HTX Dịch vụ tổng hợp toàn thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng với sản phẩm rau bắp cải trái vụ theo tiêu chuẩn VietGap; HTX Bắc Nam với sản phẩm bánh, kẹo Tam giác mạch; HTX Phong Hưởng với sản phẩm mật ong Bạc Hà… qua đó góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Những kết quả, thành công trong thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của huyện Đồng Văn có sự vào cuộc quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành. Trong quá trình triển khai thực hiện đã phân công rõ nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Đây cũng là kinh nghiệm được rút ra để huyện Đồng Văn tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đã ban hành, với quyết tâm từng bước đưa Đồng Văn phát triển nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc