Bánh chưng Gù bà Dung kết tinh văn hóa truyền thống

10:22, 28/12/2019

BHG - Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm Bánh chưng Gù bà Dung, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Đó không chỉ là sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thị trường rộng mà còn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống.

Bánh chưng Gù bà Dung được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bánh chưng Gù bà Dung được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bao đời nay, bánh chưng đã trở thành món ăn rất đỗi quen thuộc đối với mỗi người con đất Việt. Bởi vậy, bánh chưng mang trong mình nhiều ý nghĩa. Trước hết là nét đẹp về văn hóa, đó là sự cảm tạ đất trời cho một năm mưa thuận, gió hòa; lòng hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ; sự đoàn tụ, chia sẻ, yêu thương của mỗi gia đình sau một năm vất vả nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe.

Chuẩn bị bánh chưng Gù giao cho khách.
Chuẩn bị bánh chưng Gù giao cho khách.

Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy đã có từ xưa, gắn với sự hình thành dân tộc Tày. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 năm, bánh chưng này mới bước đầu trở thành sản phẩm hàng hóa khi được bán cho khách hàng tại thôn và các địa phương lân cận. Cũng từ đó, bánh chưng Gù thôn Bản Tùy ngày càng được biết đến và nhận được sự chào đón của du khách thập phương. Những năm gần đây, thôn Bản Tùy đã phát triển lên được 40 hộ làm bánh chưng Gù. Đặc biệt, tháng 4.2018, làng nghề Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy đã chính thức được UBND tỉnh công nhận. Sự kiện này góp phần củng cố uy tín và thương hiệu của sản phẩm để tiếp tục chinh phục khách hàng gần, xa.

Phát huy những lợi thế trên, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù bà Dung đã ra đời. Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc HTX chia sẻ: Trước năm 2018, gia đình tôi sản xuất bánh chưng Gù theo phương thức truyền thống. Đến năm 2018, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thị trường; bảo vệ uy tín và thương hiệu của làng nghề Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy, tôi đã đứng ra vận động một số hộ trong thôn góp vốn thành lập HTX Sản xuất và phân phối Bánh chưng Gù bà Dung.

“Hiện nay, bánh chưng Gù trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đa dạng; tuy nhiên, với những nét riêng, đặc thù, chiếc bánh chưng Gù thôn Bản Tùy luôn có màu sắc, hương vị riêng biệt so với những sản phẩm nơi khác. Sự khác biệt đó đến từ việc lựa chọn nguyên liệu, sử dụng nguồn nước và trên hết là bí quyết gia truyền của người Tày thôn Bản Tùy” - bà Dung khẳng định. Chia sẻ thêm về nghề làm bánh chưng Gù, bà Dung tâm sự: Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy được làm từ gạo Nếp cái hoa vàng, nhân thịt lợn đen bản địa và đỗ xanh. Bánh được gói bằng lá dong, mặt cắt dọc bánh có kiểu dáng gù truyền thống, được đun bằng bếp củi, nấu rền trong 8 tiếng. Khi bánh chín sẽ có màu xanh của lá dong. Để có được một chiếc bánh chưng Gù thơm ngon, uy tín đến tay người tiêu dùng, HTX đã lựa chọn các nguyên liệu tươi, ngon. Nguyên liệu hầu hết là tại địa phương, do đó, đảm bảo được nguồn cung cấp kịp thời, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX đã xây dựng nguồn cung ứng nguyên, vật liệu và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cung cấp lá dong, riềng, lạt buộc, thịt lợn đen bản địa, đỗ xanh... Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Hiện nay, HTX sản xuất trung bình khoảng 1.000 bánh/ngày, cao điểm lên đến 4.000 bánh/ngày với giá bán buôn 12 nghìn đồng/bánh. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 - 25 lao động địa phương với mức thu nhập từ 200 – 250 nghìn đồng/người/ngày. Đặc biệt, sản phẩm Bánh chưng Gù bà Dung đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sở hữu trí tuệ và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quy chuẩn của Bộ Y tế. Để quảng bá cho sản phẩm, HTX đã chào bán qua nhiều kênh khác nhau như mối quan hệ của các hộ kinh doanh, mạng xã hội Zalo, Facebook… Ngoài ra, HTX còn chào hàng bằng cách trưng bày sản phẩm tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh và thành phố tổ chức… “Từ đó, chiếc bánh chưng Gù nhỏ nhắn, xinh xắn đã có mặt không chỉ ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh mà xa hơn là có mặt ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Và xa hơn nữa là ở nước ngoài như: Hàn Quốc, Úc, Hồng Kông…” - bà Dung cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường Lê Xuân Mạnh phấn khởi: “Bánh chưng Gù thôn Bản Tùy hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây không chỉ là nguồn động viên lớn đối với đồng bào dân tộc Tày thôn Bản Tùy trong việc tiếp tục gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân cũng như góp phần đáng kể trong công cuộc xây dựng NTM của địa phương”.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình huy động hiệu quả sức dân xây dựng NTM

BHG- Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến nay huyện Quang Bình đã đạt kết quả đáng phấn khởi. Đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện; chất lượng giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; bản sắc văn hoá được giữ gìn và phát triển... 

28/12/2019
Phát huy lợi thế cây vụ Đông trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Quản Bạ

BHG - Là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cây vụ Đông, những năm qua, huyện Quản Bạ đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, vận động bà con đưa những cây trồng có hiệu quả kinh tế vào gieo trồng; tạo điều kiện, cơ chế hỗ trợ giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất...

 

27/12/2019
Cây gừng mang lại thu nhập cao cho bà con thôn Suôi Thầu

BHG - Chúng tôi đến thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) đúng dịp bà con người Mông đang thu hoạch gừng. Những bao tải gừng thơm nức, nặng chịch được bà con đựng đầy, báo hiệu một vụ mùa thắng lợi của Suôi Thầu. Cây gừng từ lâu đã thay thế cây ngô, cây lúa nương trở thành cây canh tác đem đến thu nhập ổn định tại chỗ cho bà con dân tộc Mông nơi đây.

 

26/12/2019
Ngọc Long nỗ lực tìm hướng thoát nghèo

BHG - Ngọc Long là xã vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Yên Minh hơn 40 km, là xã đặc biệt khó khăn so với mặt bằng chung của huyện với 8 dân tộc cùng chung sống. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Đảng ủy, chính quyền xã luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế và phát huy tối đa nội lực để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

 

26/12/2019