Phát triển Hồng không hạt thành cây hàng hóa ở xã vùng biên Nghĩa Thuận
BHG - Những năm gần đây, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) đã có nhiều khởi sắc trong phát triển KT - XH. Phát huy những tiềm năng, ưu thế sẵn có của địa phương; cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Thuận đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như cây Hồng không hạt (HKH) và các loại rau màu.
Lễ hội Hồng không hạt và Văn hóa ẩm thực xã Nghĩa Thuận thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. |
Với chất lượng và hương vị độc đáo, năm 2017, sản phẩm HKH Quản Bạ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Điều này đã mở ra một cơ hội lớn để huyện quảng bá hình ảnh cũng như nâng cao danh tiếng và bảo vệ những giá trị chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm HKH. Nhờ vậy, giá trị HKH được nâng lên; diện tích ngày càng được mở rộng. Nếu như năm 2017, giá HKH chỉ dao động từ 15 – 20 nghìn đồng/kg, thì năm 2019 luôn ổn định từ 50 nghìn/kg.
Nghĩa Thuận hiện đang trồng và chăm sóc trên 100 ha HKH; trong đó, có 55 ha đang cho thu hoạch với năng suất ước đạt trung bình từ 1 – 1,5 tạ/cây. Với truyền thống trồng và chăm sóc cây HKH lâu đời, người dân Nghĩa Thuận đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc nhân giống, trồng và chăm sóc. Vì vậy, trên 40% hộ dân của xã đều trồng HKH. HKH ở xã Nghĩa Thuận có những đặc trưng như: Quả tròn, màu vàng sáng, đường kính quả từ 3,4 - 5,2 cm; trọng lượng từ 20 – 25 quả/kg và có mùi thơm, vị ngọt dịu, giòn, nhiều cát; hàm lượng đường từ 10,25 - 20,23%... Từ trồng và chăm sóc HKH, nhiều hộ trong xã Nghĩa Thuận đã có nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/vụ... Với hiệu quả kinh tế từ cây HKH mang lại, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Thuận đã quan tâm mở rộng diện tích cũng như hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc theo hướng sạch và an toàn. Ông Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: Qua nhiều năm vận động bà con phát triển, nâng cao diện tích cây HKH và các loại rau màu; nhìn chung, các loại cây trồng đều tăng trưởng về cả diện tích, giá trị cũng như năng suất. Vừa qua, xã đã tổ chức thành công Lễ hội HKH và văn hóa ẩm thực nhằm tôn vinh, quảng bá sản phẩm; thu hút được sự hưởng ứng của bà con cũng như sự quan tâm của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, HTX đối với sản phẩm HKH Nghĩa Thuận.
Tuy nhiên, quá trình đưa HKH trở thành cây kinh tế “mũi nhọn” của Nghĩa Thuận còn vướng không ít khó khăn, như: Diện tích, sản lượng còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường; một số người dân chưa mặn mà với việc đầu tư mở rộng diện tích và áp dụng KHKT để nâng cao năng suất... Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Thuận sẽ thực hiện hiệu quả các chính sách, chủ trương để thúc đẩy sản xuất; tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích; đồng thời, tạo sự liên kết với các vùng trồng HKH và quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Bài, ảnh: ĐẠI TÂM
Ý kiến bạn đọc