Nuôi trồng thủy sản tại các xã phía Nam huyện Xín Mần
BHG - Khuôn Lùng, Nà Chì, Quảng Nguyên là 3 xã phía Nam của huyện Xín Mần có lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản so với các xã khác trong huyện. Bà con các địa phương này đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có để nuôi trồng thủy sản cải thiện bữa ăn hàng ngày; đồng thời tạo ra sản phẩm góp phần vào phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững.
Gia đình anh Bàn Minh Long, thôn Nậm Choong, xã Quảng Nguyên thu hoạch cá Chép ruộng. |
Tại xã Khuôn Lùng, tận dụng các khe suối và ao hồ; bà con thả cá phục vụ nhu cầu gia đình và bán thương phẩm. Xã Khuôn Lùng có trên 15 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản, người dân nơi đây chủ yếu thả các loại cá như: Trắm, Trôi, Chép, Rô phi đơn tính và Bỗng... Với lợi thế có nguồn nước sạch từ các con suối, Khuôn Lùng là một trong xã nuôi được cá bỗng ở các thôn Nà Ràng, Làng Thượng. Năm nay, xã dùng nguồn vốn Chương trình 135 để hỗ trợ con giống cho 15 hộ tại các thôn có điều kiện phát triển nuôi cá bỗng. Với định hướng về lâu dài, để chủ động con giống giúp bà con phát triển loại cá đặc sản này; vừa qua, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Thủy sản Hà Giang thử nghiệm ươm giống cá Bỗng nhân tạo tại thôn Nà Ràng với 20 cặp cá bố mẹ và cho ra hơn 1 vạn con giống đang sinh trưởng tốt.
Quảng Nguyên cũng là một trong những xã phía Nam của Xín Mần có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển nuôi trồng thủy sản; các mô hình vườn – ao - chuồng và thả cá Chép ruộng ở địa phương này được phát triển từ lâu và đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Nhờ nguồn nước sạch và chăn nuôi bằng thức ăn tự nhiên, nên chất lượng cá thịt ở đây rất thơm ngon. Đặc biệt trên địa bàn xã, bà con các thôn còn có truyền thống thả cá Chép ruộng vụ Mùa. Tới thăm gia đình anh Bàn Minh Long, thôn Nậm Choong, một trong những hộ đi đầu về nuôi cá Chép ruộng thương phẩm tại Quảng Nguyên. Anh Long cho biết: Gia đình anh nuôi cá Chép ruộng từ rất lâu và thường chủ động con giống bán cho các hộ trên địa bàn xã; trung bình mỗi vụ lúa Mùa, anh thu về trên 20 triệu đồng với số lượng cá thả khoảng 1.000 con, riêng tiền bán con giống với hơn 1 vạn con mỗi năm anh cũng thu về một khoản không nhỏ. Thả cá ở ruộng nhà không hết, anh thả rẽ ở ruộng các hộ khác trong thôn và chia mỗi người một nửa lúc cá có thể bán. Gia đình anh Long là một trong những hộ có thu nhập cao từ thả cá Chép ruộng của xã.
Anh Đặng Văn Tắc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên cho biết: Nuôi cá Chép ruộng vừa đem lại hiệu quả kinh tế, lại hạn chế được tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; riêng năng suất lúa vẫn được đảm bảo theo hướng hữu cơ. Ngoài chăn nuôi cá Chép ruộng, người dân một số thôn còn nuôi thêm ốc nhồi trên ruộng và bắt đầu cho những tín hiệu thành công. Xã Quảng Nguyên xác định: Nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh của địa phương nhằm góp phần làm hay đổi diện mạo cũng như đời sống bà con; nên xã thường xuyên tuyên truyền, vận động và mở lớp tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Năm 2019, xã sử dụng nguồn vốn từ Chương trình 135 với số vốn 30 triệu đồng hỗ trợ cho 5 hộ của thôn Tân Sơn mua giống cá Trắm cỏ phát triển chăn nuôi thương phẩm.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc