Nuôi cá lồng gắn du lịch sinh thái trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng

08:49, 22/11/2019

BHG - Đề án “Phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản gắn phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện sông Chừng”, giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng là hướng đi mới không chỉ hứa hẹn mang lại đột phá cho lĩnh vực thủy sản, mà còn đánh thức tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Quang Bình.

HTX Nuôi trồng thủy sản sông Chừng nuôi cá Lăng trên lòng hồ thủy điện.
HTX Nuôi trồng thủy sản sông Chừng nuôi cá Lăng trên lòng hồ thủy điện.

Thủy điện sông Chừng có diện tích mặt hồ rộng hơn 225 ha, với dung tích chứa nước trên 43 triệu m3 và được trải dài 15 km; bao quanh địa phận các xã Tân Nam, Tiên Nguyên và thị trấn Yên Bình. Nằm cách thủy điện không xa, còn có di tích lịch sử Văn hóa đình Bản Chún nằm ở chân núi Pá Thàng, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam nhìn ra ngã ba hợp lưu của suối Nặm Thàng, Nặm Luông và dòng sông Chừng. Toàn cảnh khu vực lòng hồ sông Chừng có núi non hùng vĩ, hang động, thác nước, ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín; tất cả tạo nên bức tranh sơn thủy mộc mạc hữu tình, làm say đắm lòng người mỗi khi đến đây thưởng ngoạn. Đó chính là điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và kết hợp làm du lịch. Không thể phủ nhận, mỗi năm, nguồn lợi thủy sản trong hồ như: Tôm, cá, tép đã đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân sinh sống quanh hồ. Đồng thời, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ cũng từng bước được phát triển; hàng năm, cung cấp hàng trăm tấn cá thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, những năm qua, nghề nuôi cá lồng và khai thác du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Trước thực trạng đó, việc thực hiện Đề án nuôi cá lồng và làm du lịch sinh thái sẽ tận dụng được nguồn lực tự nhiên, con người để xây dựng các sản phẩm về thủy sản; đồng thời phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân sống ven hồ Thủy điện sông Chừng. Từ năm 2019 - 2025, trên lòng hồ sẽ có trên 300 lồng cá; trong đó, xã Tân Nam 50 lồng, xã Tiên Nguyên 70 lồng, thị trấn Yên Bình 180 lồng và nuôi chủ yếu là các loài cá: Lăng, Nheo, Chép, Trắm, Rô phi, Bỗng và Chiên. Huyện sẽ khảo sát, 5 hộ dân sống hai bên bờ hồ để cải tạo, nâng cấp thành dịch vụ lưu trú homestay và thành lập tổ, nhóm làm dịch vụ du lịch. Ngoài tổ chức Lễ hội đua thuyền, mở hội đình Bản Chún và  trồng hoa, cây cảnh, xây dựng bến thuyền, làm đường lên thác nước Nặm Tráng cũng được ưu tiên đầu tư để tạo điểm nhấn du lịch.

Ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản sông Chừng cho biết: “Từ tháng 2.2019, HTX triển khai nuôi 52 lồng cá; riêng giống cá Lăng mới được đưa vào thử nghiệm 40 lồng, qua theo dõi thì thấy loài cá này hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nguồn nước ở đây nên chắc thịt, thơm ngon; với giá bán trung bình khoảng 90 - 100 nghìn đồng/kg. Dựa trên những yếu tố thuận lợi, HTX dự kiến mở rộng quy mô nuôi cá Lăng để cung cấp khoảng 120 tấn cá thương phẩm mỗi năm; đồng thời cam kết đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà hàng trong tỉnh. Thời gian tới, HTX tiếp tục nghiên cứu nuôi thêm giống cá Bỗng, Chiên bản địa; chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ HTX có đầu ra ổn định cho sản phẩm cá lồng”.

 Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định: “Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, sản lượng nuôi cá và đánh bắt trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng đạt 450 tấn/năm; nâng giá trị ngành Thủy sản của huyện tăng từ 16 tỷ đồng năm 2019 lên 39,5 tỷ đồng năm 2025; giá trị từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm. Song song với nghề nuôi cá lồng, để phát triển du lịch bền vững; huyện đã đặt ra các giải pháp bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên và không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng chính sách bảo vệ môi trường cho các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là phát huy vai trò của tổ hợp tác thủy sản đã phân khu quản lý, thu gom rác thải trên lòng hồ và sẽ có các lò đốt rác để xử lý rác thải... Để khách du lịch đến đây không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, mà còn được khám phá, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc”.

Bài, ảnh:  MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vĩnh Hảo đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội

BHG - Giá trị sản xuất năm 2019 ước đạt trên 72 triệu đồng/ha/45 triệu đồng, đạt 160%; hoàn thành xây dựng NTM năm 2018 và về trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020… Đó chính là kết quả đột phá qua một nhiệm kỳ Đại hội của xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) thời gian qua.

 

21/11/2019
Nuôi trồng thủy sản tại các xã phía Nam huyện Xín Mần

BHG - Khuôn Lùng, Nà Chì, Quảng Nguyên là 3 xã phía Nam của huyện Xín Mần có lợi thế về phát triển nuôi trồng thủy sản so với các xã khác trong huyện. Bà con các địa phương này đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có để nuôi trồng thủy sản cải thiện bữa ăn hàng ngày; đồng thời tạo ra sản phẩm góp phần vào phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững.

 

21/11/2019
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Bắc Mê thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40

BHG - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội"; những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và ban, ngành đoàn thể chính trị huyện Bắc mê đã tăng cường quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 40-CT/TW cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề tín dụng chính sách xã hội...

20/11/2019
Bắc Mê cần sớm giải quyết tranh chấp đất trồng rừng ở xã Yên Định

BHG - Theo phản ánh của gia đình các ông: Trương Văn Dồn, Trương Văn Mành, Phàn Văn Bằn và Phàn Văn Thông, trú tại thôn Nà Khuổng, xã Yên Định, hơn 10 năm qua khoảng 15 ha đất rừng sản xuất của 4 gia đình bị người khác lấn chiếm trồng rừng. Sự việc tranh chấp kéo dài khiến các hộ không có đất canh tác, gây mâu thuẫn lớn giữa các gia đình.

 

19/11/2019