Bắc Quang mùa cam ngọt!
BHG - Vào thời điểm này, những vườn cam ở Bắc Quang bắt đầu ánh lên sắc vàng, cùng với việc thu hoạch thì các hộ trồng cam cũng đang tích cực chăm sóc để có những trái cam đảm bảo chất lượng, đẹp về mẫu mã.
Anh Trần Văn Nhượng, thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc chăm sóc vườn cam của gia đình. |
Gia đình anh Trần Văn Nhượng, Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc được nhiều người biết đến bởi có thâm niên gắn bó và làm giàu từ cây cam. Với tổng diện tích 7 ha, trong đó phần lớn là cam Sành, còn lại là cam Giấy và cam V2. Niên vụ 2018 - 2019, vườn cam của gia đình anh cho thu gần 50 tấn; vụ cam năm 2019 - 2020, ước đạt khoảng 30 tấn. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, anh Nhượng cho biết: Trồng cam không khó, nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khi lựa chọn cây giống cho đến việc sử dụng phân bón, phòng trừ dịch bệnh. Thời điểm này, cam bắt đầu cho thu hoạch, đây là giai đoạn quả phát triển mạnh, khả năng tích lũy vận chuyển đường bột trong quả tăng, nên cần cắt tỉa, tạo tán, tưới nước thường xuyên vào những ngày khô hanh; có như vậy, cây cam mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon.
Cam được tập kết và phân loại, bán cho các thương lái. |
Trên những vườn đồi thoai thoải bát úp, vườn cam của 21 thành viên Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP thôn Vĩnh Chúa những ngày này đang chuyển sắc vàng, từng chùm cam chín vàng, mọng nước. Dẫn chúng tôi thăm vườn cam của gia đình, anh Bùi Đức Vượng, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ thêm: Vụ cam năm nay không sai quả bằng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, những năm gần đây, gia đình anh và các thành viên của Tổ hợp tác luôn chú trọng đến nông nghiệp sạch, chuyển sang trồng cam hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ. Mô hình này an toàn hơn cho người trồng cam và đảm bảo phát triển bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thái Tư, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc, cho biết: Bà con trong xã trồng trên 1.000 ha cam; trong đó, cam Sành trên 570 ha, cam Giấy trên 431 ha, cam đang cho thu hoạch 580 ha. Diện tích cam Sành được cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 445 ha; niên vụ 2018 – 2019, sản lượng cam đạt 20.560 tấn. Cùng với các địa phương khác, vùng cam Vĩnh Phúc những ngày này đang bước vào vụ thu hoạch. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền, đồng thời liên kết với các tư thương ở Hà Nội, Hải Phòng để tìm đầu ra cho sản phẩm địa phương.
Trên địa bàn huyện Bắc Quang hiện có trên 5.885 ha cam; cam Sành 4.472,9ha, chiếm 76%, trong đó diện tích cho hoạch 3.832 ha. Tổng diện tích cam đã được cấp Chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP trên 2.686 ha. Năng suất niên vụ 2019 – 2020 ước đạt 12 tấn/ha, sản lượng ước đạt 42.500 tấn. Cam Sành bắt đầu chín rộ từ giữa tháng 12 kéo dài đến khoảng tháng 2 năm sau. Hiện nay, một số ít những nhà vườn đã hái cam bán ra thị trường, còn lại đều đã có những thương lái đến thỏa thuận mua tại vườn. Những năm gần đây, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát triển cây cam; quy hoạch vùng sản xuất cam phù hợp theo hướng hữu cơ, VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất cam. Bên cạnh đó, người trồng cam cũng tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây cam.
Với mẫu mã sản phẩm đẹp và khâu sản xuất đảm bảo, cam Sành Hà Giang ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường, giúp người trồng cam có thu nhập ổn định.
Bài, ảnh: THANH THỦY
Ý kiến bạn đọc