Bắc Quang gỡ "nút thắt" để hợp tác xã nông nghiệp "cất cánh"

08:39, 25/11/2019

BHG - Huyện Bắc Quang hiện có 43 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, thu hút 337 thành viên tham gia với tổng vốn đóng góp trên 46,8 tỷ đồng. 8 HTX trong số đó lựa chọn cây trồng thế mạnh của huyện như cam Sành, chè Shan tuyết, các loại rau để sản xuất, kinh doanh (SXKD). Qua thực tế hoạt động, nhiều HTX đã chứng minh hiệu quả SXKD. Nhưng ngược lại, không ít HTX bộc lộ bất cập; loay hoay tìm hướng phát triển.

Người lao động HTX Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn (xã Việt Vinh) sử dụng cơ giới trong khâu làm đất.
Người lao động HTX Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn (xã Việt Vinh) sử dụng cơ giới trong khâu làm đất.

Tiên phong từ cây trồng chủ lực

Cam Sành, chè được xác định là cây trồng chủ lực trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Bắc Quang. Tháng 5.2019, HTX Cường Nguyệt (thôn Kim Bàn, xã Hùng An) được thành lập, nhanh chóng chứng minh hiệu quả SXKD để góp phần thực hiện chiến lược chung của huyện. Hiện nay, HTX Cường Nguyệt có 7 thành viên tham gia với tổng số vốn điều lệ đạt 1,5 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động chính, như: Sản xuất, thu mua chè búp tươi, chế biến chè xanh, chè đen, sơ chế chè thành phẩm các loại, chỉ sau 3 tháng thành lập, HTX đã triển khai hiệu quả phương án SXKD; thực hiện thu mua và chế biến trên 50 tấn chè khô; doanh thu năm 2019 ước đạt 1,3 tỷ đồng. Không những vậy, HTX còn tham gia giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với HTX Cường Nguyệt, điển hình trong lĩnh vực sản xuất cam Sành phải kể đến HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc. Đúng như tên gọi, HTX quy tụ 15 thành viên là hội viên nông dân trên địa bàn xã cùng góp vốn 180 triệu đồng để thành lập HTX (tháng 6.2017) với quy mô sản xuất lên đến 291 ha. Một trong những ngành nghề kinh doanh chủ yếu của HTX là tiêu thụ ra thị trường các sản phẩm cam có thương hiệu, cam Sành sử dụng chỉ dẫn địa lý Hà Giang. Dù mới hơn 2 năm xuất hiện trên “bản đồ” HTX nhưng từ khi thành lập đến nay, HTX đã chứng minh hoạt động SXKD hiệu quả; góp phần tăng thu nhập ổn định cho các thành viên và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Với tổng số vốn hoạt động SXKD đạt 4,2 tỷ đồng, hàng năm, đưa ra thị trường trên 3.500 tấn cam và doanh thu niên vụ 2018 – 2019 đạt con số ấn tượng, trên 46 tỷ đồng; dự kiến niên vụ tiếp theo đạt 50 tỷ đồng – Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc Trần Trung Thuyết chia sẻ.

Bên cạnh những HTX trên, tận dụng quỹ đất, nắm bắt nhu cầu thị trường, toàn huyện đã có 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng rau an toàn, rau công nghệ cao, thu hút 28 thành viên tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương. Điển hình như: HTX Dịch vụ tổng hợp Nông, lâm nghiệp Sinh Tuấn (xã Đồng Yên) với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới, trồng hoa, cây ăn quả, cây gia vị, dược liệu... Ngay sau khi thành lập (tháng 11.2018), Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc HTX đã xây dựng kế hoạch trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới và trồng rau an toàn với diện tích 2.000 m2. Trong đó, có 1.000 m2 trồng rau trong nhà lưới, dự kiến doanh thu năm 2019 đạt từ 350 – 400 triệu đồng...

Gỡ “nút thắt”

Mặc dù có 8 HTX SXKD từ cây trồng thế mạnh của huyện, nhưng ½ số HTX trong đó chưa thể bứt phá. Ví như HTX sản xuất Cam VietGAP xã Vĩnh Hảo. Sau ít năm sản xuất, tiêu thụ cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã xin tạm ngừng hoạt động đến hết năm 2019 do gặp khó khăn trong SXKD. Còn HTX Thanh niên Tân Lập (xã Tân Lập) không thu mua được nguyên liệu chè búp tươi khiến hoạt động SXKD cầm chừng. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Mặc dù HTX triển khai các hoạt động SXKD theo phương án đã xây dựng, tuy nhiên không hiệu quả. Bởi, năng lực quản lý của Ban Giám đốc HTX còn hạn chế, chưa nhạy bén với kinh tế thị trường. Thêm vào đó, các thành viên chưa góp vốn hoặc góp vốn chưa nhiều, thậm chí sản xuất riêng lẻ, không làm cùng HTX.

Nếu như các HTX trên SXKD thiếu hiệu quả, một phần do nguyên nhân chủ quan thì một số HTX khác bị ngừng trệ do tác động khách quan. Đơn cử như HTX Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn (xã Việt Vinh). Trong 6 tháng đầu năm 2019, do ảnh hưởng của thiên tai đã làm thiệt hại lớn đến hoạt động sản xuất rau, hoa của HTX. Trong đó, 500 m2 nhà lưới bị đổ sập, sản phẩm đang thời kỳ cho thu hoạch bị hủy hoại, buộc HTX phải xây dựng lại nhà lưới để tiếp tục SXKD. Tương tự như vậy, HTX Sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch Tân Tiến (xã Quang Minh) dự kiến năm 2019 không có doanh thu; bởi toàn bộ 600 m2 nhà lưới sản xuất rau, quả công nghệ cao bị đổ sập hoàn toàn sau thiên tai.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Hiện nay, rào cản xuất hiện trong các HTX chính là nội lực của HTX còn hạn chế; quy mô hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng thị trường, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hơn nữa, đa số các HTX đều thiếu quỹ đất để xây dựng trụ sở, kho, xưởng sản xuất, bảo quản sản phẩm hoặc thiếu vốn SXKD, trong khi đó, HTX chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay, nhất là vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng để phát triển SXKD hoặc thiếu tầm nhìn chiến lược để định hướng phát triển SXKD lâu dài. Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường, bao tiêu sản phẩm còn hạn chế...

Để gỡ “nút thắt” cho các HTX hoạt động, UBND huyện Bắc Quang đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan tâm việc hướng dẫn, tư vấn trực tiếp cho các HTX xây dựng phương án tổ chức SXKD, xác định sản phẩm mục tiêu, phát triển thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể đang áp dụng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, phối hợp với đơn vị hữu quan mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX trên địa bàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên chia sẻ.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Điện lực Hà Giang từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành lưới điện

BHG - Với mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT – XH của địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), Công ty Điện lực Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, vận hành lưới điện được xem là bước đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả SXKD trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

24/11/2019
Nuôi cá lồng gắn du lịch sinh thái trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng

BHG - Đề án "Phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản gắn phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện sông Chừng", giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng là hướng đi mới không chỉ hứa hẹn mang lại đột phá cho lĩnh vực thủy sản, mà còn đánh thức tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Quang Bình.

22/11/2019
Cam Sành Hà Giang chính thức khai vụ ngày 20.12

BHG - Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Thông báo khung lịch thời vụ (khai vụ và kết thúc vụ) cam Sành niên vụ 2019 – 2020 tại vùng trọng điểm cam của tỉnh. Thời gian khai vụ bắt đầu từ ngày 20.12.2019 (tức ngày 25.11 âm lịch).

22/11/2019
Vĩnh Hảo đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội

BHG - Giá trị sản xuất năm 2019 ước đạt trên 72 triệu đồng/ha/45 triệu đồng, đạt 160%; hoàn thành xây dựng NTM năm 2018 và về trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020… Đó chính là kết quả đột phá qua một nhiệm kỳ Đại hội của xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) thời gian qua.

 

21/11/2019