Vị Xuyên hướng đến vụ cam Sành bội thu
BHG - Mặc dù diện tích cam sành trên địa bàn huyện Vị Xuyên không lớn so với huyện Bắc Quang và Quang Bình; đặc biệt là vùng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để góp phần khẳng định thương hiệu cam Sành của tỉnh, huyện Vị Xuyên đã chú trọng chăm sóc, trồng mới và mở rộng diện tích trồng cam trên những tiểu vùng khí hậu phù hợp; đặc biệt là diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Cam Sành tại xã Trung Thành. |
Hiện nay, toàn huyện Vị Xuyên có 677,6 ha cam các loại, gồm: Cam Sành, cam Đường canh, cam Giấy, cam Chanh…; chủ yếu tập trung tại địa bàn các xã như Việt Lâm, Trung Thành, Quảng Ngần và thị trấn Việt Lâm. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sản phẩm cam Sành của huyện đã từng bước được khôi phục, quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên thị trường và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng; bởi hầu hết diện tích cam của huyện đều nằm trong vùng khí hậu thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cam. Qua kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chức năng; cam Sành Vị Xuyên có độ thơm, ngọt (độ Brix) cao hơn ở các địa phương khác trong tỉnh. Qua đó, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ người trồng cam; hàng năm, huyện đều tổ chức Hội thi sản phẩm cam Sành, Hội chợ cam để các hộ trồng cam xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng.
Niên vụ 2018 – 2019, diện tích cam trên địa bàn huyện có năng suất trung bình đạt từ 8 – 9 tấn/ha, (cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 8 – 10 tấn/ha); sản lượng đạt 1.588 tấn. Trong đó, cam Sành đạt trên 1.200 tấn, mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho người trồng cam. Riêng đối với diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, hầu hết diện tích đã hết hạn hoặc sắp hết hạn chứng nhận; do đó, các ngành chức năng của huyện, các xã, thị trấn có diện tích đang phối hợp với Chi cục QLCL Nông - lâm sản & Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh tiến hành rà soát lại diện tích 80,1 ha còn đảm bảo đủ tiêu chuẩn để đăng ký gia hạn, cấp lại chứng nhận VietGAP giai đoạn 2019 – 2020. Cùng với đó, chứng nhận mới 28 ha cam tại xã Trung Thành; nâng tổng số lên 109 ha cam toàn huyện đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, việc phát triển và tiêu thụ cam của huyện cũng còn gặp không ít khó khăn như: Điều kiện đầu tư thâm canh còn hạn chế, tỷ lệ số hộ tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209, 86, 29 của HĐND tỉnh thấp; giá trị sản phẩm không cao (7 đến 10 ngàn đồng/kg tại vườn); giá cả vật tư đầu vào (phân bón, vôi, thuốc BVTV…) cao; tình hình biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cam. Vùng sản xuất cam trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung; giá trị sản phẩm cam theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn giá trị sản phẩm cam thông thường; nên chưa khuyến khích được người trồng, chăm sóc cam theo hướng VietGAP…
Để phát triển cây cam nói chung và cây cam Sành nói riêng, huyện Vị Xuyên đang có những giải pháp căn cơ như: Quy hoạch vùng trồng tập trung theo từng địa bàn để thuận tiện cho việc đầu tư, chăm sóc đồng bộ và thuận tiện trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cam Sành Hà Giang; đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng cây giống, các loại vật tư đầu vào; tập trung sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá rộng rãi sản phẩm cam Sành; triển khai dán tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm giúp người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng với chất lượng của sản phẩm…
Hiện, toàn bộ diện tích cam của huyện đang ra quả; còn khoảng gần 2 tháng nữa sẽ dần cho thu hoạch, người trồng cam đang tích cực chăm sóc, bảo vệ để có một niên vụ cam mới bội thu cả về năng suất, chất lượng.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc