Quang Bình đẩy mạnh hoạt động kinh tế tập thể
BHG - Nhận thức rõ vai trò kinh tế tập thể (KTTT) trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; thời gian qua, huyện Quang Bình đã và đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) phát triển, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Qua đó, không ngừng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Vườn ươm cây giống của HTX Xuân Khu, xã Yên Hà. |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quang Bình có 65 HTX, 127 THT hoạt động; trong đó, có 37 HTX dịch vụ nông nghiệp, 9 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX thương mại dịch vụ, 9 HTX xây dựng và 6 HTX vận tải; các THT hầu hết hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. Hàng năm, các HTX, THT giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động địa phương. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 3 HTX được thành lập mới (HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ vi sinh, HTX Thiên Phú và HTX Nuôi trồng thủy sản).
Xác định xây dựng và phát triển KTTT gắn với chương trình xây dựng NTM và các chương trình phát triển KT – XH của địa phương; cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX, THT như: Hỗ trợ các HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; giải thể các HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả; tạo điều kiện cho các HTX được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX và đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển KTTT tại cơ sở; đồng thời mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý HTX hoặc các lớp đào tạo nghề nông nghiệp gắn với đào tạo nghề cho các thành viên HTX. Đến nay, 100% HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện đều đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và tìm được hướng đi phù hợp trong sản xuất, kinh doanh những sản phẩm hàng hóa có thế mạnh như (cam Sành, chè Shan tuyết, vải thổ cẩm…) gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường mối liên doanh liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp, tiêu biểu như: HTX Thống Nhất (xã Tân Bắc), HTX Cao Nguyên (xã Tiên Nguyên), HTX Xuân Khu (xã Yên Hà)…
Lồng nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Sông Chừng của anh Triệu Mềnh Sinh, thành viên tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản. |
Trước đây, hoạt động của HTX Cao Nguyên, thôn Tân Tiến, xã Tiên Nguyên chủ yếu là thu mua, chế biến chè Shan tuyết; sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã tổ chức lại sản xuất, mở rộng ngành nghề kinh doanh gồm: Thu mua, chế biến chè; sản xuất đồ gỗ; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi vừa và nhỏ. Mỗi năm, HTX thu mua và chế biến khoảng 200 tấn chè búp tươi (khoảng 40 tấn chè khô/năm), chiếm 40% sản lượng chè toàn xã; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Xuân Khu, xã Yên Hà được thành lập theo mô hình HTX kiểu mới với 25 thành viên; tổng số vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng. Phó Giám đốc HTX Xuân Khu, ông Đặng Huy Tiến cho biết: Việc phát triển thành HTX kiểu mới đã góp phần hoàn thiện cơ cấu quản lý, vận hành HTX và mở rộng huy động nguồn vốn phát triển SXKD; đồng thời, nâng cao chất lượng và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các xã viên. HTX định hướng phát triển thành chuỗi liên kết từ cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên và các hộ trồng cam trên địa bàn; liên kết với HTX Cam VietGAP Vĩnh Hảo (Bắc Quang) và một số tiểu thương ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nội để phát triển sản xuất và nắm bắt thông tin thị trường.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả KTTT; huyện Quang Bình xác định tiếp tục hướng dẫn các HTX vay vốn theo chương trình đầu tư có thu hồi theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh và Quỹ phát triển HTX của tỉnh; tăng cường hỗ trợ các HTX, THT ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại quảng bá sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các đơn vị doanh nghiệp, HTX, THT…
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc