Xã Phú Linh làm tốt công tác bảo vệ và trồng rừng kinh tế
BHG - Phú Linh là xã khu vực II của huyện Vị Xuyên với tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 3.748,5 ha/4.707,13 ha tổng diện tích tự nhiên. Thấy rõ được tiềm năng phát triển lâm nghiệp, những năm qua xã chú trọng công tác bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế, triển khai các chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, chi trả dịch vụ môi trường rừng, gắn trách nhiệm với quyền lợi của người bảo vệ rừng. Qua đó góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo nguồn thu nhập đáng kể, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng.
Cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Phú Linh hướng dẫn ông Nguyễn Văn Thật cách chăm sóc cây Keo. |
Cũng như nhiều hộ dân của xã Phú Linh, từ năm 2016 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thật, thôn Chăn II, xã Phú Linh đã đầu tư trồng rừng kinh tế với 24 ha rừng Keo, trong đó có 17 ha được trồng bằng giống tốt (giống cây Keo Úc). Nhờ thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ hiện nay diện tích rừng trồng của gia đình ông Thật phát triển tốt.
Đưa chúng tôi đi thăm diện tích rừng Keo của gia đình, ông Thật cho biết toàn bộ diện tích đất rừng của gia đình những năm trước đây chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn... Đến năm 2016, qua tìm hiểu và được cán bộ Kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, giới thiệu các chính sách hỗ trợ cũng như tính toán về kinh phí đầu tư và phân tích hiệu quả kinh tế từ rừng trồng; ông quyết định đầu tư trồng 12 ha rừng bằng giống cây Keo Úc, năm 2017 trồng thêm 7 ha Keo lai. Đến năm 2019, gia đình ông đăng ký thực hiện theo Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với UBND xã trên diện tích 1 ha cây Keo giống tốt. Bình quân mỗi ha trồng và chăm sóc đầu tư hết 18 triệu đồng, dự tính đến năm 2021 toàn bộ diện tích trồng năm 2016 sẽ cho khai thác, với giá gỗ Keo thời điểm hiện tại, trừ chi phí sẽ thu lợi khoảng trên 80 triệu đồng/ha. Ông cho biết thêm, trên diện tích 3 ha rừng tự nhiên gia đình đang bảo vệ, từ năm 2019 sẽ được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, từ đó giúp gia đình ông có thêm thu nhập hàng năm.
Tại thôn Chăn I, xã Phú Linh, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Huỳnh - một người có tiếng là làm nghề rừng lâu năm của xã, đưa đi thăm diện tích rừng trồng của gia đình. Qua chia sẻ, ông khẳng định, với kinh nghiệm của bản thân thì trồng rừng rất ổn định, không như các loại cây trồng khác phải lo đầu ra, lo được mùa mất giá và nếu đầu tư trồng đúng quy trình kỹ thuật, chăm chút cho cây thì thu lợi lớn là điều đương nhiên. Hiện gia đình ông có tổng 140 ha rừng trồng, trong đó thuê đất thời hạn 20 năm là 51 ha. Ông cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay đã khai thác trên 10 ha rừng Keo, đạt năng suất khá cao (trên 95m3/ha), 10 ha thu về lợi nhuận trên 800 triệu đồng. Sau khai thác, gia đình tiến hành trồng kế tiếp ngay, ngoài ra còn một số diện tích vẫn đang phát triển tốt dự kiến kéo dài chu kỳ lên 9-10 năm mới khai thác để lấy gỗ lớn, lợi nhuận sẽ cao hơn.
Đưa chúng tôi đi kiểm tra công tác bảo vệ rừng, diện tích rừng trồng, đồng chí Nguyễn Danh Cảnh - Kiểm lâm địa bàn xã Phú Linh, cho biết thêm: “Trước đây nguồn thu từ rừng của bà con chủ yếu dựa vào khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên, hiệu quả từ việc trồng rừng kinh tế rất hạn chế do tập quán canh tác và trình độ hiểu biết bà con, tự làm theo kinh nghiệm của bản thân, ham rẻ, tự ý mua những giống cây chất lượng kém, không rõ nguồn gốc vào trồng rừng, ảnh hưởng lớn đến năng suất và hiệu quả kinh tế. Cho đến những năm gần đây các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển lâm nghiệp, nên nghề trồng rừng của huyện Vị Xuyên nói chung và xã Phú Linh nói riêng, đã có bước cải thiện đáng kể, rừng trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”. Là cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã, bản thân đồng chí cũng thường xuyên phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã xuống trực tiếp tại các thôn bản để hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, tạo mối quan hệ gần gũi, chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và được người dân đồng tình ủng hộ. Đối với xã Phú Linh, từ năm 2018 người dân còn có thêm nguồn thu ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, vừa qua đã phối hợp giải ngân xong số tiền năm 2018 cho 19 thôn là 387.620.000 đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Linh chia sẻ: “Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa Hạt Kiểm lâm với cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng đã đạt được những kết quả rõ nét; việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân hiểu rõ về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn xã hiện được quản lý, bảo vệ tốt, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Hồ Noong; công tác phát triển rừng ở Phú Linh những năm gần đây, chúng tôi chủ yếu tập trung hướng dẫn kỹ thuật nâng cao giá trị rừng. Rừng mang lại thu nhập, người dân sẽ tự đầu tư trồng, việc thu lợi từ rừng trồng mỗi chu kỳ đạt hàng trăm triệu đồng của người dân là chuyện bình thường.Thực hiện Nghị quyết số 29/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, năm 2019 xã Phú Linh có 49 hộ gia đình đăng ký thực hiện trồng rừng bằng giống tốt; các hộ đã được UBND huyện mở 1 lớp tập huấn trực tiếp tại xã, để đảm bảo việc lựa chọn giống, thực hiện trồng, chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật và đảm bảo đạt tiêu chí được hỗ trợ. Trong thời gian tới, xã Phú Linh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững”.
Bài, ảnh: Hoàng Xuyên (Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên)
Ý kiến bạn đọc