Tín hiệu vui từ Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa
BHG - Hà Giang được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế chăn nuôi đại gia súc. Để tạo đột phá cho lĩnh vực này, UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Sau hơn 1 năm thực hiện, Đề án đang có những tác động mạnh đến sự tăng trưởng đàn gia súc, tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân.
Gia đình anh Bùi Xuân Tuyên, thôn Cốc Cam, xã Tả Nhìu (Xín Mần) phát triển chăn nuôi gia trại với 20 con bò sinh sản. |
Tháng 4.2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang, phạm vi bảo hộ tại địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Tin vui này không chỉ là niềm tự hào của những người nông dân “cõng cỏ” nuôi bò trên vùng núi đá khắc nghiệt, mà còn thể hiện trách nhiệm của tỉnh đối với việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển giống bò Vàng địa phương. Cũng từ đây, hoạt động của 19 chợ buôn bán gia súc trong toàn tỉnh sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn, bà con mang trâu, bò xuống chợ có nhiều thương lái hỏi mua nên được giá. Đặc biệt, huyện Mèo Vạc đã xây dựng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương để chế biến thịt trâu, bò khô, đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang vươn rộng khắp các thị trường.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân làm chuồng trại kiên cố, trồng cỏ nhằm tạo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn đại gia súc. Kết quả, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh thực hiện thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho 7.682 con trâu, bò và thành công 5.377 con; trong đó, số bê, nghé sinh ra là 1.891 con. Thời gian qua, ngoài các chương trình hỗ trợ của T.Ư, những chính sách ưu đãi của tỉnh như: Nghị quyết 209, Nghị quyết 86 và Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh đã, đang tạo đà cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế gia trại, trang trại. Hiện, tổng đàn trâu, bò của tỉnh ước đạt 291.349 con; có 101 gia trại quy mô từ 15 - 29 con; 25 gia trại có quy mô từ 30 - 59 con; 5 trang trại quy mô 60 con trở lên. Trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng đàn đại gia súc đạt 6.219 con; tổng đàn trâu, bò xuất bán 19.685 con.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xín Mần, Ngô Văn Tăng cho biết: “Trên địa bàn huyện có trên 22.000 con trâu, 9.307 con bò và 41 gia trại, trang trại. Nhìn chung, tình hình chăn nuôi có chiều hướng phát triển tốt, sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đều tăng, quy mô chăn nuôi hướng đến gia trại, trang trại đã tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, nâng cao thu nhập cho hộ dân, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KT - XH. Với quyết tâm đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2019 đạt trên 36,5% giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng tổng đàn trâu, bò lên 33.500 con, huyện đẩy mạnh tổng thể các giải pháp như: Vận động nhân dân đăng ký thực hiện chương trình TTNT cho trâu, bò; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc. Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chính sách vay vốn theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh tới các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp; tiến hành thẩm định, giải ngân nguồn vốn đến tay người chăn nuôi”.
Bên cạnh những cơ sở thuận lợi để phát triển chăn nuôi, quá trình thực hiện Đề án “Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” còn gặp khó khăn, thách thức do chưa bố trí được nguồn kinh phí bình tuyển trâu, bò cái giống hay hỗ trợ một lần cho mua trâu, bò sinh sản. Hơn nữa, chăn nuôi chủ yếu vẫn nhỏ, lẻ dẫn đến khó theo hình thức tập trung, nhiều hộ dân chưa được tiếp cận vốn do thẩm định không đủ điều kiện đáp ứng ngân hàng. Mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước theo chuỗi giá trị hàng hóa chưa thật sự bền vững.
Đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Để tiếp tục tạo động lực cho ngành chăn nuôi, các huyện, thành phố tập trung triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng gia trại, trang trại, quy mô từ 20 con trở lên. Ngoài ra, thực hiện tốt TTNT đàn trâu, bò và thành lập các nhóm sở thích chăn nuôi, giúp đỡ các nhóm liên kết với tư thương trong việc buôn bán trâu, bò. Đặc biệt, tăng cường xúc tiến kêu gọi hợp tác đầu tư, tạo liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá cả chăn nuôi”.
Bài, ảnh: Mộc Lan
Ý kiến bạn đọc