Tiện ích, minh bạch từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng qua thanh toán điện tử
BHG - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp - PTNT về chủ trương chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ thanh toán điện tử. Vừa qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Viettel Hà Giang triển khai thí điểm chi trả tiền DVMTR qua ứng dụng ViettelPay. Qua đó, đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, tăng cường tính minh bạch, giúp chủ rừng thuận lợi hơn khi nhận tiền, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại.
Người dân thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) làm thủ tục đăng ký nhận tiền DVMTR qua ứng dụng ViettelPay. |
Trước đây, tiền DVMTR trả cho chủ rừng là tổ chức đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh, thành thực hiện qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, việc trả tiền DVMTR cho chủ rừng là hộ dân, cá nhân, công động dân cư vẫn được trả trực tiếp bằng tiền mặt nên mất nhiều thời gian, chi phí cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch. Để khắc phục tình trạng này, ngày 26.9.2018, Bộ Nông nghiệp – PTNT đã ban hành văn bản số 7491 đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiến hành chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc qua giao dịch thanh toán điện tử cho chủ rừng và gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng để tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và an toàn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp – PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Viettel Hà Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các chủ rừng tại thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) thực hiện nhận tiền chi trả DVMTR thông qua ứng dụng thanh toán điện tử ViettelPay. Đây là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện chi trả tiền DVMTR qua ứng dụng này. Theo đó, chủ rừng phải tạo tài khoản thông qua số điện thoại để nhận tiền. Thủ tục để thực hiện tạo tài khoản đối với chủ rừng là hộ nhận khoán rừng cần mang theo điện thoại, chứng minh thư và Quyết định giao đất, giao rừng của chủ rừng.
Thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường hiện có 68 hộ được nhận tiền DVMTR, chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc Tày, ít tiếp xúc với các dịch vụ thanh toán điện tử nên bước đầu triển khai cũng gặp một số khó khăn nhất định. Sau khi được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cùng nhân viên Viettel Hà Giang hướng dẫn mở tài khoản, cách sử dụng ViettelPay và trải nghiệm thực tế tại chỗ, đa số các hộ đã nắm bắt được hình thức chi trả tiền qua giao dịch điện tử và tự sử dụng được ứng dụng ViettelPay để thực hiện giao dịch. Anh Đinh Văn Chài, thôn Bản Tùy cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được sử dụng dịch vụ này, mặc dù còn bỡ ngỡ nhưng tôi thấy rất tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại so với trả bằng tiền mặt như trước đây”.
Khi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chuyển tiền đến tài khoản của chủ rừng thông qua kênh ViettelPay, chủ rừng sẽ nhận được tin nhắn thông báo trên điện thoại về số tiền nhận được. Nếu muốn rút tiền mặt, chủ rừng có thể đến đại lý ủy quyền của Viettel nơi gần nhất để làm thủ tục nhận tiền; ngoài ra, có thể sử dụng để thanh toán trực tuyến, chuyển khoản cho người thân hay thanh toán tiền điện, tiền nước qua thao tác trên điện thoại mà không cần dùng tiền mặt và rất nhiều tiện ích khác…
Đồng chí Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết: “Việc chi trả DVMTR qua ứng dụng ViettelPay đem lại rất nhiều tiện ích, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; đảm bảo tính công khai, minh bạch; thuận tiện trong công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đến các huyện, phấn đấu đến năm 2020 sẽ triển khai đến 11/11 huyện, thành phố toàn tỉnh, tập trung chính ở những vùng trung tâm xã, trung tâm huyện, nơi người dân có điều kiện tiếp xúc với điện thoại thông minh cũng như các dịch vụ thanh toán điện tử khác”.
Việc triển khai chi trả tiền DVMTR qua hình thức thanh toán điện tử là việc làm thiết thực, kịp thời, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Đồng thời, đảm bảo tính công khai minh bạch, an toàn, giảm chi phí quản lý, rút ngắn thời gian thanh toán trong công tác chi trả tiền DVMTR cho người dân tham gia bảo vệ rừng.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc