Cần nỗ lực dập dịch sâu keo mùa thu
BHG - Vụ Xuân 2019, sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại trên hầu hết các vùng trồng ngô thuộc địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh, với tổng diện tích nhiễm 5.778,2 ha, chiếm 13,45%. Sau khi sâu xuất hiện, các địa phương đã chủ động phòng, chống; nhưng một số nơi phát hiện và phòng trừ chậm nên khoảng 100 ha ngô bị nhiễm nặng, mất trắng.
Lãnh đạo xã Tùng Bá (Vị Xuyên) hướng dẫn người dân thôn Hồng Minh phòng trừ sâu keo mùa thu. Ảnh: MỘC LAN |
Với nỗ lực trong việc phòng, chống sâu keo mùa thu toàn tỉnh, tháng 5, tháng 6 vừa qua, sâu dịch đã được khống chế. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian lắng xuống, khi ngô vụ Mùa đang phát triển, sâu keo lại tiếp tục xuất hiện, gây hại tại các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ và Xín Mần. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, với diện tích gieo trồng ngô của tỉnh hiện đạt 4.400 ha, sinh trưởng đến 4 lá, nếu không phát hiện sớm và chủ động phòng trừ sâu keo kịp thời, nguy cơ thiệt hại về năng suất, sản lượng rất cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên), Trần Ngọc Lanh cho biết: “Vụ Mùa năm nay, toàn xã gieo trồng 24,5 ha ngô. Qua kiểm tra, xác minh có 17,5 ha, chiếm gần 72% diện tích bị sâu keo mùa thu xâm hại. Các thửa ruộng nhiễm sâu nhiều có từ 8 đến 10 con/m2, thửa ít có từ 2 đến 3 con/m2. Với sự giúp đỡ của ngành chức năng, xã đã khẩn trương hướng dẫn nhân dân khoanh vùng, dập dịch bằng cách phun thuốc kết hợp với bắt sâu thủ công. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, không phát sinh thêm nhưng khuyến cáo người dân theo dõi kỹ diễn biến gây hại của sâu keo mùa thu trên cây ngô và các loại cây trồng khác để có những phương án phòng trừ kịp thời.
Anh Lý Văn Định, Bí thư thôn Hồng Minh, xã Tùng Bá cho hay: “Thôn có 8 ha ngô, khi sâu keo xuất hiện và lây lan rất nhanh, người dân đã chủ động bắt sâu, mua thuốc về phun. Nhà tôi có 1.200 m2 trồng ngô cũng bị nhiễm bệnh, tôi dùng thuốc kết hợp với pha nước tỏi phun diệt sâu, hiệu quả rất cao. Bây giờ, bà con tích cực ra thăm đồng, tiếp tục làm cỏ, vun gốc để đảm bảo cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường”.
Sâu keo mùa thu có sức sinh sản lớn, đẻ trứng kéo dài và sức phá rất mạnh với cây trồng, có khả năng di trú rất xa. Hơn nữa, vòng đời của sâu ngắn, trong 1 năm có nhiều lứa, thời gian các lứa sâu gối nhau nên khó cho công tác phòng trừ. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sâu keo mùa thu không khó phát hiện nếu được phòng, chống nhanh sẽ đạt hiệu quả cao. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất ngô, Sở NN&PTNT yêu cầu các huyện, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc phòng trừ sâu keo mùa thu.
Song song với đó, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức phòng, chống sâu keo mùa thu. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông thôn bản và người dân nắm được các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô. Cùng với đó, các địa phương tổng hợp báo cáo diễn biến tình hình phát sinh gây hại của sâu keo chính xác, đầy đủ, kịp thời - ông Phạm Đức Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.
PHAN BÌNH MINH (Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc