Bắc Mê phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản
BHG - Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt 230 tấn, đối với các xã có lòng hồ thủy điện, bình quân mỗi xã có từ 30 lồng cá trở lên; giá trị sản xuất thủy sản đạt 20 tỷ đồng, tỷ trọng thủy sản chiếm 5% trong giá trị sản xuất nông nghiệp và chiếm khoảng 8% tỷ trọng chăn nuôi. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi mục đích sản xuất sang nuôi trồng thủy sản...
HTX Nông, lâm nghiệp tổng hợp Trung Hiếu, xã Thượng Tân (Bắc Mê) nuôi cá lồng kết hợp với du lịch trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. |
Để khuyến khích người dân và đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thủy sản, UBND huyện đã đưa ra nhiều giải pháp như: Lồng ghép các nguồn vốn xây dựng các mô hình, phương án về phát triển thủy sản; bố trí nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp cho UBND xã Yên Phong triển khai thực hiện thí điểm nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Bắc Mê; phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai đề tài sinh sản cá Bỗng nhân tạo tại thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú và đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo vùng tại các xã có lòng hồ thủy điện như: Yên Phong, Thượng Tân, Minh Ngọc, Yên Phú. Huyện tập trung chỉ đạo, rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác lợi thế trên để nuôi cá lồng và có cơ chế hỗ trợ người nuôi cá lồng. Ngoài ra, người dân cần chú trọng cải tạo, mở rộng diện tích ao nuôi hiện có; tận dụng những nguồn nước từ khe suối để đào ao nuôi thủy sản. Cùng với việc nuôi trồng thủy sản trên ao, hồ thủy điện; nhiều hộ gia đình đã đầu tư thuyền máy và các dụng cụ đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện...
Trong những năm qua, lĩnh vực thủy sản của huyện có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là khi thủy điện Na Hang được hình thành; nhiều hộ dân đã chuyển hình thức sản xuất từ canh tác lúa, ngô sang nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên hồ thủy điện, một số hộ đã mở rộng diện tích; qua đó, nâng tổng diện tích mặt nước ao nuôi trồng thủy sản lên 86,5 ha, tăng 8,5 ha so với năm 2015. Nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản mục tiêu đến 2020 là 230 tấn, thực hiện đến tháng 5/2019 đạt 233,7 tấn, đạt 101% kế hoạch. Các xã có diện tích lòng hồ thủy điện đến thời điểm hiện tại có 131 lồng nuôi cá; trong đó, Thượng Tân 82 lồng, Minh Ngọc 15 lồng, Yên Phong 34 lồng đạt 87,3%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 29,5 tỷ đồng, đạt 147,5% kế hoạch; tỷ trọng thủy sản chiếm 3,1% trong giá trị sản xuất nông nghiệp, đạt 61,5% và chiếm 8,8% trong ngành nuôi trồng thủy sản, đạt 109%; số lao động tham gia nuôi trồng, khai thác và đánh bắt thủy sản tăng từ 386 hộ (năm 2015) lên 674 hộ (năm 2018); tổng sản lượng nuôi trồng đạt 55,14 tấn; sản lượng đánh bắt 233,7 tấn...
Một số hộ chăn nuôi thủy sản đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng và cho sản phẩm, thu nhập cao như: Hộ ông Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nghì, Ban Văn Hình (xã Thượng Tân); mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng với các loại cá như: Bỗng, Chiên, Nheo, Ngạnh... Nhiều hình thức tổ chức sản xuất thủy sản được người dân áp dụng như: Phát triển các HTX, nhóm sở thích, liên kết sản xuất trong việc chăn nuôi và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi thủy sản gồm: HTX Nông, lâm nghiệp tổng hợp Trung Hiếu xã Thượng Tân và HTX thủy sản xã Yên Phong đã tạo nên quy mô diện tích nuôi và thị trường tiêu thụ.
Nhằm phát triển và tận dụng những lợi thế sẵn có của huyện, đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Với những kết quả đạt được, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nhằm tận dụng lợi thế mặt nước để lập các dự án phát triển về con giống, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện; tập trung nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi các giống đặc sản. Đổi mới, tăng cường năng lực hoạt động công tác khuyến nông gắn với các hoạt động khuyến ngư từ huyện đến cơ sở; xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến thủy sản và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh các dịch vụ thú y, giống thủy sản tại các xã nhằm đưa các sản phẩm thủy sản dần trở thành hàng hóa; tiếp tục tạo cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX đầu tư và mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản như: Ưu đãi vốn vay, tạo điều kiện đất và diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản...
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc