Phát huy vai trò "cầu nối" của các hợp tác xã
BHG - Không chỉ khẳng định là “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế, góp phần gỡ “nút thắt” tái cơ cấu nông nghiệp, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh còn phát huy vai trò “cầu nối” trong quá trình sản xuất hàng hóa - vừa cung ứng vật tư thúc đẩy sản xuất, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Sản phẩm của các hợp tác xã huyện Mèo Vạc được trưng bày, giới thiệu tại địa phương. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.122 tổ hợp tác (THT) được thành lập theo Nghị định 151 của Chính phủ với trên 13 nghìn thành viên trên 6.500 THT hoạt động theo hình thức tự phát trên cơ sở các nhóm sở thích, tổ đổi công, chủ yếu tương trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế hộ. Toàn tỉnh có 646 HTX; trong đó, có 357 HTX nông nghiệp, 64 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 30 HTX giao thông vận tải, 73 HTX thương mại – dịch vụ, 107 HTX xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng; 10 quỹ tín dụng nhân dân và 5 HTX loại hình khác. Tổng nguồn vốn hoạt động khu vực HTX đạt trên 846 tỷ đồng.
Nhằm phát huy vai trò “cầu nối” của các HTX, thời gian qua, tỉnh tập trung xây dựng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, chủ yếu trong loại hình nông nghiệp; hiện mô hình HTX hoạt động theo chuỗi giá trị/tổng số HTX toàn tỉnh chiếm khoảng 5%. Một số mô hình HTX hoạt động theo chuỗi giá trị gồm các sản phẩm chủ yếu, như: Chè, tinh bột nghệ, cam Sành, mật ong Bạc hà… Trong số các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị thì HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (Mèo Vạc) là điển hình về chuỗi sản xuất sản phẩm mật ong Bạc hà. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng với các hộ thành viên trong việc cung ứng sản phẩm; các thành viên được hỗ trợ giống, thùng nuôi ong và tập huấn kỹ thuật nuôi; HTX đầu tư máy móc để nâng cao giá trị sản phẩm mật ong. Anh Hoàng A Páo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng chia sẻ: “Sản xuất theo chuỗi giá trị, các thành viên HTX được hưởng nhiều lợi ích, nhất là giảm chi phí đầu vào và ổn định đầu ra sản phẩm. Hiện, HTX đã ký kết với một doanh nghiệp, cam kết tiêu thụ 10 nghìn lít mật ong Bạc hà/năm. Đây là cơ hội lớn để các thành viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Qua khảo sát tại một số địa phương có thể thấy, mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ đảm bảo lợi ích cho các thành viên mà còn thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm. HTX Cam sạch Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) hiện có 18 thành viên, với 312 ha cam, diện tích đang cho thu hoạch trên 170 ha. Niên vụ 2018 – 2019, một lượng lớn cam Sành của HTX được bán tại Siêu thị VinMart. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu và đang xúc tiến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cam Sành chính vụ với các doanh nghiệp, siêu thị trên toàn quốc. Tương tự, chuỗi sản phẩm trà, lá hoa Đu đủ, Bồ kết túi lọc của HTX Nhật Minh (Bắc Quang) đã triển khai cho các thành viên và các hộ dân khu vực lân cận trồng các cây thảo dược, như: Xả, Hương nhu, Bồ kết… HTX trực tiếp thu mua toàn bộ nguyên liệu, chế biến và hoàn thiện sản phẩm.
Đồng chí Chu Hoàng Hiệp, Chánh Văn phòng Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Nhằm hỗ trợ các HTX, Liên minh HTX đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Bố trí gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của các HTX tại các tỉnh, thành; chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho các HTX; phối hợp xây dựng dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương… Liên minh HTX tỉnh đang tập trung phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô khác nhau; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX hiện có. Tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức đa ngành nghề; trong đó, tập trung phát triển HTX sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng dược liệu; làm tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên; từng bước mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Thành lập các HTX theo lĩnh vực hoạt động phù hợp với đặc điểm kinh tế, tự nhiên của từng địa phương; phát triển kinh tế tập thể theo nhiều hình thức, loại hình, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là mô hình THT làm ăn có hiệu quả.
“Để phát huy vai trò cầu nối của các HTX, các cấp chính quyền cần quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng mô hình liên kết giữa các HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập trung nguồn vốn, thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ HTX, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực” – Chánh Văn phòng Liên minh HTX tỉnh Chu Hoàng Hiệp cho biết thêm.
Bài, ảnh: ĐẶNG KIM
Ý kiến bạn đọc