Nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi
BHG - Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi số lợn bị bệnh liên tục tăng; nhiều địa phương đã tái phát dịch bệnh sau khi công bố hết dịch.
Lực lượng chức năng huyện Xín Mần phun khử trùng, tiêu độc các phương tiện vào địa bàn. |
Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.450 con lợn/508 hộ/167 thôn/54 xã/8 huyện bị chết và tiêu hủy; trọng lượng trên 162 tấn. Toàn tỉnh có 22 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch kể từ ca mắc bệnh cuối cùng, gồm: Thị trấn Phố Bảng, Lũng Táo (Đồng Văn); xã Ngọc Đường, phường Minh Khai, Quang Trung, Trần Phú, Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang); Tân Trịnh (Quang Bình); Sơn Vĩ, Giàng Chu Phìn, Niêm Sơn (Mèo Vạc); Kim Linh, Cao Bồ, Bạch Ngọc, Kim Thạch, Thượng Sơn, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên); Hữu Vinh (Yên Minh); Hùng An, Việt Vinh, Tiên Kiều, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang); trong đó có 17 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, ở một số địa phương, như: Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ); Thuận Hòa (Vị Xuyên), Phương Thiện (thành phố Hà Giang), dịch đã phát sinh trở lại sau khi các địa phương công bố hết dịch.
Tại xã Thuận Hòa, sau 36 ngày không phát sinh dịch bệnh kể từ ca mắc bệnh cuối cùng, ngày 24.7, UBND huyện Vị Xuyên đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 27.7, tại thôn Hòa Bắc (Thuận Hòa) xuất hiện dịch tả lợn châu Phi; đàn lợn 9 con của gia đình chị Ma Thị Loãn có dấu hiệu bỏ ăn, sốt, ốm, chết. Kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho thấy, đàn lợn của gia đình chị Loãn dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.
Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa Lê Trường Giang cho biết: “Ngay sau khi dịch bệnh tái phát, xã đã lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời, tăng cường kiểm soát các hoạt động buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên tại các hộ chăn nuôi thôn Hòa Bắc”.
Anh Ma Văn Thái, thôn Hòa Bắc chia sẻ: “Gia đình có trên 30 con lợn các loại, trong đó có 10 con lợn đã đến tuổi xuất chuồng. Việc tái phát dịch bệnh khiến chúng tôi rất lo lắng, đặc biệt việc tiêu thụ số lợn đã đến tuổi xuất bán sẽ gặp khó khăn. Hiện nay, tôi thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng nuôi 2 lần/ngày và cách ly đàn lợn, không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi”. Được biết, Hòa Bắc là thôn trọng điểm phát triển kinh tế của xã Thuận Hòa, trong đó chủ yếu chăn nuôi lợn với tổng số trên 1.500 con. Việc tái phát dịch bệnh gây khó khăn cho người dân địa phương trong phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống.
Trước đó, ngày 18.7, tại hộ chăn nuôi Viên Xuân Đức, thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) có 2 con lợn, trọng lượng 68 kg bị chết do dịch tả lợn châu Phi. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh tái phát dịch tả lợn châu Phi sau 41 ngày kể từ khi có ca mắc bệnh cuối cùng bị tiêu hủy. Ngày 29.7, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tái phát tại xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) sau khi địa phương này đã qua 30 ngày không có ca mắc bệnh trở lại.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trịnh Văn Bình cho biết: Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là cuộc chiến lâu dài; đặc biệt hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp; số lượng lợn mắc bệnh đều phát sinh mỗi ngày. Ngành chức năng đã đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá lại công tác phòng, chống dịch tại các xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh; chỉ đạo các địa phương tổ chức phun tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn xã, phường, thị trấn. Việc dịch tái phát tại một số địa phương sẽ gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh và hoang mang cho người dân. Các địa phương đã công bố hết dịch không được chủ quan; tiếp tục duy trì các hoạt động kiểm soát giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn, không để dịch bệnh tái phát; người dân tăng cường vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để ngăn chặn dịch bệnh.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc