Nâng tầm giá trị nông sản

17:26, 08/07/2019

BHG - Tỉnh ta có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, nổi tiếng như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà… Tuy nhiên, giá trị kinh tế của các sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với giá trị lao động và tính đặc biệt của sản phẩm. Để nâng tầm giá trị các sản phẩm tiêu biểu, tỉnh đang tập trung xây dựng chiến lược sản xuất và tăng cường quản lý, phát triển thương hiệu.

Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu tại thành phố Cần Thơ.
Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu tại thành phố Cần Thơ.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như tăng diện tích, chủng loại, số lượng sản phẩm đặc sản, như: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ đầu tư sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vay các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng thương hiệu, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại… một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Đặc biệt, ngoài việc ưu tiên dành nguồn ngân sách để khuyến khích phát triển sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, tỉnh đã đề xuất và kêu gọi hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án nhằm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho nhân dân. Minh chứng cho thấy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; thông qua bảo đảm chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm… đã giúp doanh nghiệp được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng lựa chọn sản phẩm; tạo dựng uy tín trên thị trường và từng bước xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng (Mèo Vạc) – đơn vị sản xuất, chế biến, tiêu thụ mật ong Bạc hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc từ năm 2013. Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, cho biết: Ngoài việc duy trì nuôi đàn ong bản địa, chế biến và tiêu thụ mật ong Bạc hà, HTX còn thu mua sản phẩm mật ong của người dân địa phương, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nuôi ong. Nhận thức rõ việc bảo vệ thương hiệu, HTX luôn chú trọng liên kết, hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi ong và cách lấy mật nên chất lượng mật ngày được nâng cao. Đến nay, sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX được đăng ký chất lượng, bảo hộ kiểu dáng, nhãn mác, có Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu uy tín, được thị trường đánh giá cao.

Hiện nay, tỉnh ta được bảo hộ 6 Chỉ dẫn địa lý đối với 6 sản phẩm đặc sản, gồm: Mật ong Bạc hà, cam Sành, chè Shan tuyết, Hồng không hạt huyện Quản Bạ, gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần và thịt bò Vàng Hà Giang. Bên cạnh đó, tỉnh có 3 nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gồm: Chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, Hồng không hạt Na Khê, huyện Yên Minh và sản phẩm Tam giác mạch huyện Đồng Văn. Mặt khác, tỉnh đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá Bỗng, Thảo quả huyện Vị Xuyên. Hiện, toàn tỉnh có trên 100 nhãn hiệu được Nhà nước bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu độc quyền đã và đang tạo dựng được uy tín trên thị trường, như: Mật ong Bạc hà, vải lanh Lùng Tàm, rượu ngô Thanh Vân, rượu thóc Nàng Đôn, Fìn Hò trà, miến dong Gia Long…

Đồng chí Phan Đăng Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Qua sự chỉ đạo, định hướng cùng với các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, phát triển thị trường của tỉnh đã giúp cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ nâng lên. Số lượng đơn đăng ký tăng đáng kể, tỷ lệ được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ ngày càng tăng cao, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc đăng ký Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chỉ là điểm khởi đầu cho quá trình xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp, HTX.

Để phát triển bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân trực tiếp sản xuất và kinh doanh sản phẩm đặc sản hiểu rõ lợi ích việc được bảo hộ quyền sở hữu, có định hướng phát triển bền vững sản phẩm nông sản tiêu biểu. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh; hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Phát triển sản xuất hàng hóa trên cơ sở giữ vững tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu; tăng cường kiểm tra chéo giữa các hộ sản xuất trong việc chọn giống, thực hiện quy trình kỹ thuật, sơ chế, chế biến để quản lý chất lượng đặc thù sản phẩm…

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy hiệu quả các gian hàng giới thiệu sản phẩm huyện Quản Bạ

BHG - Là một trong những huyện lấy sản xuất nông nghiệp làm chính với nhiều sản phẩm nông sản phong phú, đa dạng. Do vậy thời gian qua, huyện Quản Bạ rất chú trọng trong việc quảng bá các sản phẩm thông qua các cửa hàng trưng bày, giới thiệu nông sản địa phương và đã đem lại hiệu quả, được người tiêu dùng đón nhận. 

 

08/07/2019
Xây dựng xã, thôn điển hình ở Yên Minh

BHG - Thực hiện định hướng, chỉ đạo của tỉnh về phát triển xã, thôn điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp (KTNN), giai đoạn 2017 – 2020; huyện Yên Minh đã lựa chọn 4 xã và 57 thôn. Trong đó, năm 2017 triển khai thí điểm 1 xã và 1 thôn; năm 2018 thực hiện 2 xã và 27 thôn; năm 2019 thực hiện 1 xã, 14 thôn và năm 2020 thực hiện các thôn còn lại. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, kết quả chưa đạt như mong đợi.

 

08/07/2019
Bản Luốc tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực

BHG - Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã tập trung các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, thời gian qua, xã Bản Luốc đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững, tập trung, hình thành những mô hình, vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

05/07/2019
Hội nghị bàn giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

BHG - Ngày 5.7, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình và bàn các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố và một số hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 317 hộ/137 thôn/48 xã/8 huyện trên địa bàn tỉnh; tổng số lợn chết và tiêu hủy trên 2.230 con...

05/07/2019