Bắc Mê phát triển nông nghiệp thông qua các mô hình hiệu quả
BHG - Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ở địa phương, ngành Nông nghiệp huyện đang có những bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng vào thành tựu KT - XH của huyện. Trong đó, việc hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả đã tạo ra hướng đi mới cho nông dân trong phát triển kinh tế; góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn ở địa phương.
Mô hình nuôi bò nhốt của ông Lê Hoài Xuân, thôn Bản Bó, xã Yên Định mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Kết quả cho thấy, các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông, lâm nghiệp (NLN) của huyện đã và đang chuyển biến theo hướng tích cực; trong chăn nuôi từng bước hình thành các gia trại có quy mô lớn; việc triển khai thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND để phát triển đàn trâu, bò theo hướng hàng hóa đã đạt được những kết quả tích cực; trong liên kết sản xuất từng bước thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trồng dược liệu; trồng rừng cũng đang trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân, từng bước hạn chế tư tưởng chông chờ vào ngân sách nhà nước.
Đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Bắc Mê xác định phát triển kinh tế NLN là hướng đi mũi nhọn cho sự phát triển bền vững trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Để tạo bước đột phá, huyện đã ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại tập trung và chăn nuôi quy mô lớn; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng cây dược liệu, cây ăn quả mới phù hợp với thổ nhưỡng; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp làm kinh tế NLN cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm… Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, như: Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật hỗ trợ người dân về kỹ thuật, lựa chọn giống, chăm sóc; phòng, chống dịch bệnh để đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần cùng huyện xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Những năm qua, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đang từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tạo ra các sản phẩm NLN hàng hoá có vị thế ngày càng cao trên thị trường, như: Công ty Cổ phần phát triển NLN Hà Giang trồng Chuối tiêu xuất khẩu tại xã Yên Định; HTX Dịch vụ tổng hợp NLN Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc; Công ty TNHH Cát Thành liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm nghệ tươi và chế biến các sản phẩm từ nghệ; gia trại ông Kiều Ngọc Lễ, thôn Nà Trang, xã Yên Định chăn nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm quy mô lớn, kết hợp trồng cây ăn quả... Tính đến nay, toàn huyện Bắc Mê có trên 100 mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại; trong đó, có 33 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 20 con trở lên; 12 mô hình chăn nuôi lợn quy mô nuôi 100 con trở lên; 59 mô hình nuôi dê từ 20 con trở lên và 8 mô hình chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 1.000 con. Cùng với đó, các mô hình trồng rừng kinh tế gắn với phát triển cây dược liệu, cây ăn quả..., đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn. Hầu hết các mô hình ở Bắc Mê đang đi đúng hướng, mang lại lợi nhuận kinh tế cao… Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển, cùng với việc vận dụng các chính sách chung, hàng năm, huyện đã dành hàng tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư xây dựng các mô hình, gia trại, trang trại; nhờ đó đã góp phần tạo động lực cho việc hình thành và phát huy vai trò của các mô hình kinh tế nông nghiệp ở Bắc Mê ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Có thể khẳng định, các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương. Đây chính là những mô hình kinh tế tất yếu trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường, góp phần đạt và hoàn thành những mục tiêu Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2020.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc