Bắc Mê phát huy vai trò của cựu chiến binh trong phát triển kinh tế
BHG - Rời xa chiến trường, những cựu chiến binh (CCB) tiếp tục mang công sức, trí tuệ của mình cống hiến cho sự phát triển KT – XH ở địa phương, trở thành những tấm gương trong việc tìm và mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế mới. Những năm qua, các CCB trên địa bàn huyện Bắc Mê đã nỗ lực phát triển KT - XH, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống và trở thành những tấm gương “Bộ đội cụ Hồ” gương mẫu, đi đầu.
“Trong những năm gần đây, với các chính sách và chương trình hỗ trợ của Nhà nước, hội viên CCB đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn, tích cực phát triển các thế mạnh của huyện trong trồng rừng và chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều hội viên có khát khao vươn lên làm giàu với nhiều mô hình mới, cách làm hay. Để thúc đẩy hội viên trong phát triển kinh tế, Hội đã có nhiều chương trình và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, tìm tòi, học hỏi các cách làm mới và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Qua đó, tạo hướng đi cụ thể và việc làm cho hội viên...”. Đồng chí Nguyễn Bá Chấn, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết.
Vườn rừng của hội viên Nguyễn Văn Long, thôn Bản Bó, xã Yên Định |
Lực lượng CCB trên địa bàn huyện đã trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng đàn gia súc của các hội viên CCB đã lên tới trên 4.500 con; với 384 ao cá và 24 lồng cá; mở rộng diên tích và đưa một số cây trồng thế mạnh của địa phương như: Cây chè, cây dược liệu vào sản xuất; trồng mới được 557 ha rừng. Tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình trồng nghệ, nuôi tằm, trồng cỏ chăn nuôi... Nhiều hội viên đã tích cực tham gia hiệu qủa các hoạt động giảm nghèo và vận động nhân đân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần nâng cao đời sống cho hội viên và nhân dân.
Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, bác Nguyễn Văn Long, thôn Bản Bó, xã Yên Định đã trở thành người đầu tiên trong thôn cải tạo, biến những đồi cọ, vườn tạp để đưa những giống cây mới vào trồng. Sau gần 10 năm, bác Long đã chứng minh cho người dân trong thôn thấy được hiệu quả của việc trồng rừng kinh tế. Bác Long chia sẻ: “Ngày mới xuất ngũ, trở về gia đình quả là những ngày khó khăn. Để tìm hướng đi mới, thấy vườn tược bỏ không, tôi đã mạnh dạn mua giống cây keo về trồng; nhưng sau 2 năm đầu trồng keo không hiệu quả, cây còi bé và không phát triển. Để tiếp tục đầu tư cho cây keo, tôi quyết định xuống tỉnh Tuyên Quang làm thuê lĩnh vực lâm nghiệp. Khi tích lũy được vốn kiến thức, hiểu được cách chăm và chọn giống, tôi đã về và vay vốn mua cây giống về trồng. Chưa đầy 10 năm sau, hơn 9 ha rừng của gia đình đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Tiếp theo thành công đó, năm 2017 gia đình nâng diện tích trồng rừng lên 13 ha; hiện nay, cây phát triển tốt và dự kiến trong 5 năm nữa sẽ cho thu hoạch...”. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bác Long còn được bà con đề bạt làm Bí thư Chi bộ thôn, bác luôn vận động các hộ dân trong thôn đẩy mạnh trồng rừng kinh tế. Hiện, thôn Bản Bó giờ đã được phủ xanh với những rừng cây và trở thành nguồn sinh kế cho người dân nơi đây.
Có thể nói, Hội CCB huyện Bắc mê đã trở thành lực lượng đi đầu trong các hoạt động phong trào của huyện. Trong 6 tháng đầu năm nay, Hội đã phát động ra quân xây dựng Nông thôn mới được 14 đợt, với hơn 800 hội viên tham gia mở mới 1,2 km đường giao thông; di rời 66 chuồng trại gia súc ra xa nhà; đổ bê tông sân điểm trường được 570 m2; vận động hội viên xây được 39 nhà vệ sinh và 4 nhà tắm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa như thăm hỏi các hội viên khi ốm đau; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc hỗ trợ CCB xây nhà và phát triển kinh tế...
Những tấm gương của các CCB trên địa bàn huyện đã trở thành nguồn động lực để các thế hệ học tập và họ là những nhân tố góp phần quan trọng trong phát triển KT – XH ở địa phương.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc