Yên Minh phát triển các sản phẩm OCOP
BHG - Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP), huyện Yên Minh đã lựa chọn nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Hồng không hạt Na Khê là một trong những sản phẩm được lựa chọn thực hiện Đề án OCOP. |
Với yêu cầu lựa chọn các sản phẩm đặc thù của địa phương, đảm bảo duy trì và phát triển bền vững, khai thác tiềm năng, thế mạnh góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, xây dựng NTM, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, phát triển du lịch, nâng cao dân trí và vị thế của địa phương, huyện Yên Minh đã lựa chọn 15 sản phẩm thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020 và 3 nhóm sản phẩm thực hiện sau năm 2020 như: Xoài, gà trống thiến, gạo chất lượng cao, Hồng không hạt, mật ong, thịt bò khô, lợn đen, Vịt bầu, Cá chép ruộng, rượu ngô men lá, chè, dược liệu, du lịch trải nghiệm cộng đồng, dệt vải lanh, đồ lưu niệm.
Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh, Nguyễn Văn Quốc cho biết: Nhiều sản phẩm của huyện đã khẳng định được thương hiệu trong những năm qua như: Xoài, Hồng không hạt, gà trống thiến, gạo chất lượng cao. Các sản phẩm lựa chọn thực hiện Đề án OCOP được huyện xét duyệt kỹ, nhằm tập trung nguồn lực phát triển trở thành những sản phẩm đặc trưng, hàng hóa chủ lực.
Có điều kiện tự nhiên, địa hình chia cắt, nhiều tiểu vùng thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau; nhận thức sản xuất hàng hóa hạn chế; sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành chưa toàn diện... Chính vì vậy, hầu như các sản phẩm được lựa chọn thực hiện chương trình OCOP ở Yên Minh vẫn đang phát triển tự phát, quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng ít, chất lượng chưa cao, không đồng đều; chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; chưa có nhiều tác động của khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Chính vì vậy, nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra, huyện đã ban hành kế hoạch cho mỗi giai đoạn và từng năm với những nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực cụ thể.
Theo đó, quan trọng nhất là tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền các địa phương, người dân, doanh nghiệp, HTX hiểu về Đề án OCOP, phân biệt sản phẩm và chủ thể của Đề án, từ đó thúc đẩy sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, khảo sát, đánh giá và đặt ra mục tiêu phát triển từng sản phẩm và nhóm sản phẩm như: Đến năm 2020, nâng tổng diện tích Hồng không hạt toàn huyện lên 394 ha, sản lượng đạt trên 1.400 tấn; cải tạo và nâng diện tích xoài lên trên 300 ha, sản lượng trên 500 tấn; phấn đấu sản lượng gạo chất lượng cao đạt gần 3.000 tấn; mật ong trên 6.000 tổ; chè đạt 1.188 tấn; Thảo quả 250 tấn… Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích triển khai các dự án ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm; tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Đồng thời, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, đề án và tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của T.Ư và của tỉnh; khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, quản lý cấp huyện, xã, các doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia thực hiện Đề án OCOP…
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Phạm Xuân Diệu khẳng định: Lộ trình, mục tiêu thực hiện Đề án OCOP đã được xác định rõ. Tuy nhiên, trước mắt trong năm 2019 huyện phấn đấu tiêu chuẩn hóa 8/15 sản phẩm đã lựa chọn, trong đó có ít nhất 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện trở lên và tiếp tục hoàn thiện 7 sản phẩm còn lại để phấn đấu chuẩn hóa trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, phải hoàn thành củng cố, kiện toàn 5 tổ HTX đã đăng ký tham gia chương trình OCOP và đảm bảo 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất tham gia chương trình được tập huấn đầy đủ. Đồng thời nghiên cứu xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP và các điểm bán sản phẩm OCOP của huyện.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc