Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp rừng ở Phương Thiện thêm xanh
BHG - Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là chính sách lâm nghiệp coi việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ, nguồn lực mới, cơ hội đầu tư để góp phần phát triển ngành lâm nghiệp. DVMTR đã giúp giải quyết sinh kế, cải thiện đời sống cho người trồng rừng và giữ rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn với sự tham gia của cả cộng đồng.
Người dân xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. |
Phương Thiện là xã ngoại thành, vùng cao của thành phố Hà Giang với diện tích rừng tương đối lớn, nhiều người dân sống dựa vào vườn rừng, làm nghề trồng chè và các loại cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay, toàn xã có 1.939,5 ha rừng được chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền là trên 228 triệu đồng. Từ khi người dân được nhận tiền DVMTR ý thức, trách nhiệm của bà con về việc bảo vệ rừng đã được nâng lên rõ rệt, coi bảo vệ rừng là nghĩa vụ của từng gia đình và của cả cộng đồng thôn.
Về thôn Lâm Đồng, nơi có diện tích rừng được chi trả DVMTR khá nhiều, Trưởng thôn Lâm Đồng, Đàm Quốc Hồi, chia sẻ: “Toàn thôn Lâm Đồng có 116,4 ha rừng được chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền là trên 13,5 triệu đồng. Thực hiện chi trả tiền DVMTR, Ban quản lý thôn đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh tổ chức họp thôn, thống nhất với 200 hộ dân trong thôn về việc rà soát lại diện tích rừng của từng hộ theo sổ lâm bạ, cho người dân phô tô sổ lâm bạ để làm căn cứ lập danh sách chi trả tiền DVMTR. Thực hiện công khai, minh bạch danh sách và số tiền các hộ được nhận. Bên cạnh đó chúng tôi thống nhất với bà con về việc sử dụng tiền DVMTR cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng, trồng và bảo vệ rừng để không sử dụng sai mục đích”.
Nhờ đó, hoạt động giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ thuận lợi hơn, người dân đã có thu nhập từ việc bảo vệ rừng. Những công tác khác như xây dựng hệ thống PCCC rừng được xây dựng bài bản, quy mô hơn. Ông Hồi cho biết thêm, đối với những diện tích rừng không phải của hộ dân, số tiền DVMTR sẽ được góp vào quỹ bảo vệ rừng của thôn, trong năm nay là 2 triệu đồng để hỗ trợ tổ bảo vệ rừng, kinh phí đi lại, huy động phương tiện, con người đi dập lửa khi có đám cháy xảy ra. Bên cạnh đó, thôn đã mua 2 máy phun nước, máy nổ mini để phòng cháy, chữa cháy với tổng số tiền 30 triệu đồng. Nhân dân trong thôn đã được cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy và cách sử dụng các thiết bị chữa cháy”.
Từ khi có tiền DVMTR, ý thức trong công tác bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Anh Nguyễn Duy Bồi, ở thôn Lâm Đồng, chia sẻ: “Năm nay nhà tôi nhận được số tiền DVMTR là 231 nghìn đồng, dù số tiền không lớn nhưng là nguồn động viên để gia đình làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng. Trước đây khi chưa có chính sách chi trả DVMTR thì nhà nào lo việc bảo vệ diện tích rừng của nhà nấy. Nhưng từ khi có nguồn động viện từ Quỹ thì người dân trong thôn ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng”.
Với những ý nghĩa thiết thực như trên, chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng, góp phần nâng cao chất lượng DVMTR.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc