Quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có dịch tả lợn châu Phi
BHG – Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân; để người chăn nuôi tiêu thụ được lợn không nhiễm bệnh và người dân không quay lưng với các sản phẩm từ lợn. Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Văn bản số 04 /HD-SNN-CNTY về việc hướng dẫn quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh dưới sự giám sát của cơ quan thú y để các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hoạt động buôn bán thịt lợn tại chợ trung tâm huyện Bắc Mê. (ảnh: tư liệu) |
Theo Văn bản của Sở Nông nghiệp và PTNT quy định rõ cơ sở được phép giết mổ lợn trên địa bàn. Trong đó tại thành phố Hà Giang chỉ được phép giết mổ lợn tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung của Công ty TNHH AH Hà Giang, tổ 1, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang. Cơ sở giết mổ lợn tập trung được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi từ các cơ sở, trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trong địa bàn cấp tỉnh. Sản phẩm sau khi giết mổ để tiêu thụ trong địa bàn cấp tỉnh và được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi vào và ra khỏi cơ sở giết mổ lợn…
Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các huyện phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 - Điều 69, Luật Thú y, cụ thể: Địa điểm phải tách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; trang thiết bị, dụng cụ phù hợp để giết mổ, không gây độc hại, ô nhiễm cho sản phẩm động vật; có đủ nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y phục vụ cho việc giết mổ động vật; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.
Văn bản cũng quy định cụ thể đối với các huyện chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi được phép giết mổ lợn khỏe mạnh và có nguồn gốc rõ ràng và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi; lợn được đưa vào cơ sở giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đáp ứng các điều kiện quy định; lợn phải được kiểm soát giết mổ theo quy định tại Điều 65, Luật Thú y; sản phẩm sau giết mổ được phép tiêu thụ trong địa bàn xã có dịch...
Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết Văn bản số 04 /HD-SNN-CNTY về việc hướng dẫn quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh ở đường link dưới.
Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc