Quản Bạ nhân rộng diện tích hoa Hồng
BHG - Mô hình trồng hoa Hồng ở huyện Quản Bạ đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, hoa Hồng được khách hàng ưa chuộng, nhất là vụ Hè và nhiều khi hoa không đủ cung cấp cho thị trường. Với những thành công từ mô hình trồng hoa Hồng ở thị trấn Tam Sơn, diện tích hoa Hồng đang được nhân rộng ra hơn 6 ha tại xã Quyết Tiến.
Vườn hoa Hồng của hộ anh Nguyễn Đăng Toan, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến. |
Đang chăm sóc vườn hoa Hồng rộng hơn 1 ha, anh Nguyễn Đăng Toan, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến là một trong những nhà vườn đầu tư trồng hoa Hồng ở xã, chia sẻ: “Nhà tôi làm nghề trồng hoa Hồng trên 15 năm ở tỉnh Vĩnh Phúc, tình cờ nghe bà con cùng làng truyền tai nhau ở vùng cao Quản Bạ có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ rất thích hợp với trồng hoa. Nghe vậy, tôi đã theo chân những người dân trong làng lên tìm hiểu, khảo sát... Thấy hiệu quả, sau khi trở về, tôi quyết định cùng gia đình lên xã Quyết Tiến trồng hoa. Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ, tôi thuê hơn 1 ha đất trồng lúa của bà con ở thôn Đông Tinh, với giá 30 triệu đồng/năm. Bằng số vốn tích góp được khi còn ở quê, tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng cải tạo đất, thuê công nhân đánh thành từng luống, ngăn thành từng ô rồi mua giống hoa về trồng”.
Anh Toan chia sẻ thêm, khác với tỉnh Vĩnh Phúc, khí hậu ở Quản Bạ mát mẻ vào mùa Hè, nhiều sương, đất đai màu mỡ là điều kiện lý tưởng để trồng hoa Hồng; một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của hoa. Chính vì thế, hoa hồng trồng ở đây phát triển tốt, hoa nở đẹp, tươi lâu và hương rất thơm.
Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Nguyễn Văn Tuân, cho biết: “Hoa hồng là cây trồng mới, nên được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để hỗ trợ người dân phát triển nghề trồng hoa Hồng. Đến nay, xã có 4 hộ đang trồng hoa với diện tích hơn 6 ha. Chúng tôi hy vọng, thông qua những mô hình trồng hoa ban đầu, sẽ giúp người dân địa phương có thêm việc làm và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng hoa Hồng để nhân ra diện rộng. Từ đó, đưa một số giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao vào phát triển kinh tế tại địa phương”.
Là người đầu tiên đưa hoa Hồng lên trồng ở Quản Bạ, anh Bùi Văn Hùng, thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn, chia sẻ: Tôi hy vọng, nghề trồng hoa Hồng ở đây sẽ phát triển; bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây hoa Hồng và cho chất lượng tốt; thời gian trồng lại không dài, chỉ từ bốn đến sáu tháng là cho thu hoạch, mỗi ha thu nhập được vài trăm triệu đồng. Hơn nữa, thị trường hoa ở trong tỉnh và các địa phương lân cận ngày càng lớn do chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện; theo đó, nhu cầu chơi hoa, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết ngày càng tăng. Nghề trồng hoa Hồng ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình anh Hùng, còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Có thể nói, triển vọng từ nghề trồng hoa Hồng ở Quản Bạ là rất lớn, nếu người dân địa phương học hỏi được kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư; chắc chắn, nghề trồng hoa Hồng sẽ tạo ra nguồn thu nhập đáng kể và nâng cao chất lượng cuôc sống cho người dân, đồng thời góp phần vào xây dựng Nông thôn mới.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc