Nhân viên thú y cơ sở - lực lượng nòng cốt trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Mê
BHG - Thời gian qua, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và ngày càng lan rộng; những cán bộ làm công tác thú y cơ sở trên địa bàn huyện Bắc Mê lại càng thêm tất bật. Đến thời điểm này, Bắc Mê là một trong 3 huyện vẫn nằm trong vùng an toàn với dịch bệnh trên đàn lợn. Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương là sự góp sức không nhỏ của những người làm công tác thú y cơ sở.
Cán bộ thú y xã cùng Tổ xung kích Đoàn Thanh niên xã Yên Cường phun thuốc tiêu độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi lợn tại thôn Nà Chảo. |
Hiện, mạng lưới cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn huyện Bắc Mê có 13 Trưởng ban Thú y xã, thị trấn; với 134 thú y viên tại các thôn, bản. Xác định rõ việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi nhận thức đúng đắn về tác hại của dịch bệnh và cách phòng, chống. Để thực hiện hiệu quả “5 không” khi phát hiện có dịch: Không giấu dịch, không buôn bán vận chuyển, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các buổi chợ phiên để nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh; cấp phát hàng nghìn tờ rơi thông tin, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi lợn để chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Mê, cho biết: Nhờ hoạt động tích cực mà mạng lưới thú y cơ sở đã giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở địa phương được thực hiện đồng bộ, sát với yêu cầu thực tiễn. Mỗi khi vào đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh, khử trùng môi trường chăn nuôi hoặc tăng cường chống dịch; ngoài lực lượng thú y xã, thị trấn, chúng tôi phải phối hợp với địa phương để xây dựng lực lượng cộng tác viên thú y ở từng khu dân cư… Để chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập 6 chốt kiểm dịch, mỗi chốt có từ 3 - 5 người tham gia. Với những chiếc bình phun khử trùng nặng trĩu vai, những chuyến xe chở đầy vôi bột đến từng tuyến đường, khu chợ, khu chuồng trại…; cùng đó là lực lượng cán bộ thú y ở cơ sở đang hàng ngày, hàng giờ với công việc của mình để chống lại sự xâm nhiễm, lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, dù là lực lượng nòng cốt trong công tác chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh; nhưng chế độ cho cán bộ thú y cơ sở còn khá thấp. Theo quy định, cán bộ thú y cơ sở phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ từ tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác chăn nuôi, kiểm soát vận chuyển động vật, giết mổ, đến trực tiếp tiêm phòng dịch, kiểm tra vệ sinh thú y... Lượng công việc nhiều, trách nhiệm cao, nhưng chính sách đãi ngộ đối với nhân viên thú y cấp xã là quá khiêm tốn. Hiện nay, mỗi xã chỉ được hưởng một định suất phụ cấp thú y cơ sở theo định mức là 0,8 hệ số lương cơ bản; mức phụ cấp này chỉ đủ tiền xăng xe đi lại kiểm tra, hướng dẫn tại cơ sở. Vì vậy, rất cần có một cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng, phù hợp để những người làm công tác thú y cơ sở yên tâm bám trụ với nghề. Nhờ có sự “cầm tay chỉ việc” của các anh, chị thú y viên cơ sở đã giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế; giúp người dân yên tân khi không may đàn gia súc, gia cầm mắc bệnh.
Kể từ khi tỉnh có dịch tả lợn châu Phi, không ngại nắng mưa, sớm tối; cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn huyện luôn phải tăng cường bám sát địa bàn, tư vấn cho từng hộ chăn nuôi về cách phòng ngừa dịch bệnh và tiến hành tiêm phòng ở những vùng trọng điểm..
Chị Nông Thị Thời, Trưởng ban Thú y xã Yên Định, chia sẻ: “Mình cũng như nhiều đồng nghiệp ở các xã khác trong huyện đều không khỏi băn khoăn, chạnh lòng với mức phụ cấp trên 1.100.000 đồng/tháng mà mình đang được hưởng, bởi nó quá ít so với công sức lao động và sự tâm huyết với nghề. Được đào tạo căn bản, nhiệt tình, năng nổ của tuổi trẻ, mình đã cùng các đồng nghiệp là thú y viên các thôn, bản của xã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, hướng dẫn người dân chăn nuôi, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm ngày một phát triển. Mặt khác, phải theo dõi sát sao để phát hiện sớm, báo cáo kịp thời với chính quyền, cơ quan chuyên môn để từ đó có biện pháp khoanh vùng, khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Nếu không cẩn thận, chỉ từ một ổ dịch nhỏ rất có thể xảy ra ổ dịch lớn…
Trên thực tế, dù địa bàn hoạt động rộng khắp và trực tiếp liên quan đến công tác chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh; nhưng hoạt động của đội ngũ này chỉ là bán chuyên trách, ngoài được hưởng phụ cấp thì không có thêm bất cứ khoản hỗ trợ nào… Đa phần các anh, chị em khi tham gia công tác đều do lòng nhiệt tình và trách nhiệm với người chăn nuôi trong cùng thôn, bản...
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc