Làng Khác A - thôn điển hình phát triển nông nghiệp của xã Du Già

08:33, 06/06/2019

BHG - Đường bê tông rộng rãi đến từng nhóm hộ và các gia đình; hầu hết nhà nào cũng có trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng, ao rộng rãi; nhà cửa gọn sàng, sạch sẽ… đó là hình ảnh của thôn Làng Khác A – thôn điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện của xã Du Già (Yên Minh).

Tuyến đường bê tông rộng rãi, kiên cố đi qua trung tâm thôn đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.
Tuyến đường bê tông rộng rãi, kiên cố đi qua trung tâm thôn đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.

Làng Khác A là thôn vùng thấp, cách trung tâm xã khoảng 2 km. Thôn hiện có 107 hộ, 514 khẩu. Người dân trong thôn phát triển kinh tế gần như hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Du Già Nguyễn Văn Quý, trong 14 thôn của xã, Làng Khác A phát triển chỉ đứng sau thôn Cốc Pảng – khu trung tâm xã, nơi tập trung chủ yếu là các hộ cán bộ nhà nước và làm dịch vụ kinh doanh, buôn bán.

Đến thời điểm hiện tại, Làng Khác A chỉ còn 26 hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân toàn xã 4 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng được xây dựng đáp ứng các điều kiện sản xuất, sinh hoạt, giao thương như đường bê tông liên thôn, đường vào các nhóm hộ, gia đình; hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu; các công trình vệ sinh. Ngoài ra, người dân tự ý thức được trách nhiệm trong thu gom và xử lý rác thải của gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Nhờ các chính sách cho vay vốn của tỉnh, người dân trong thôn vay vốn nuôi trâu vỗ béo theo hướng hàng hóa.
Nhờ các chính sách cho vay vốn của tỉnh, người dân trong thôn vay vốn nuôi trâu vỗ béo theo hướng hàng hóa.

Từ những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, người dân Làng Khác A đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Đã có 19 hộ được giải ngân vay vốn theo Nghị quyết 209 và 86 với tổng vốn vay 1,2 tỷ đồng, mua được trên 60 con trâu, bò. Hiện nay trung bình mỗi hộ dân trong thôn có khoảng 3 con trâu, bò; rất nhiều lợn, gà, vịt. Ngoài ra, thôn có tới 20 người đi lao động ngoài tỉnh và xuất khẩu. Nhiều người trong số đó gửi tiền về hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, hoặc tích cóp sau khi về quê hương xây dựng các mô hình chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả.

Trong những năm gần đây, tận dụng nguồn nước dồi dào, nhiều hộ đã chuyển hướng sang chăn nuôi thủy sản, nhất là các loại cá quý như: Dầm xanh, bỗng... Hầu hết các gia đình đều có ít nhất một ao nuôi cá. Tổng diện tích mặt nước chăn nuôi thủy sản của thôn khoảng trên 10 ha, chiếm 50% diện tích toàn xã. Nhờ sự phát triển du lịch, một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư phát triển các cơ sở lưu trú homestay phục vụ du khách. Thêm nữa, hiện thôn đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Tại sao Làng Khác A lại phát triển nổi bật hơn hẳn các thôn khác?! Theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Liên, thôn có địa hình tương đối bằng phẳng, nằm dọc con suối chính chảy qua trung tâm xã Du Già, với nguồn nước dồi dào quanh năm, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản. 100% dân cư trong thôn là dân tộc Tày, trình độ nhận thức cao và tư duy phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa rõ nét, kết hợp với sự mạnh dạn đầu tư... Có lẽ vì thế ngày càng nhiều mô hình kinh tế tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao được xây dựng, đời sống người dân ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn được đổi mới.

Nếu không trực tiếp đến tận nơi, không ai nghĩ ở một xã vùng 3 thuộc nhóm huyện nghèo nhất cả nước, thôn Làng Khác A lại có sự phát triển như vậy. Sự phát triển của Làng Khác A không chỉ là bộ mặt nông thôn được đổi mới bằng hệ thống cơ sở hạ tầng, mà đó là nhận thức, tư duy của bà con trong phát triển kinh tế đã thay đổi, họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giữa trồng trọt với chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường và tận dụng điều kiện tự nhiên địa phương, cũng như các chính sách của Nhà nước. Có lẽ đó là lý do xã Du Già lựa chọn Làng Khác A làm thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp như những gì Phó Chủ tịch UBND xã Du Già Nguyễn Văn Quý đã chia sẻ.

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bộ đội Biên phòng tích cực tham gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

BHG - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phòng chống dịch bệnh; kiên quyết không để lây lan ra diện rộng. Mặc dù các lực lượng đã tích cực phòng chống dịch, nhưng hiện nay trên địa bàn một số xã, thị trấn biên giới của tỉnh, như thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn (huyện Đồng Văn), xã Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc) đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

31/05/2019
Yên Minh phát triển các sản phẩm OCOP

BHG - Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP), huyện Yên Minh đã lựa chọn nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm.  Với yêu cầu lựa chọn các sản phẩm đặc thù của địa phương, đảm bảo duy trì và phát triển bền vững, khai thác tiềm năng, thế mạnh góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, xây dựng NTM, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa...

06/06/2019
Ban hành hướng dẫn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

BHG - Để tăng cường công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ngày 30.5.2019, Sở NN&PTNT có Công văn số 680/SNN-CNTY về việc ban hành hướng dẫn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng (VSTĐKT) tại vùng dịch để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, để tiêu diệt triệt để mầm bệnh, bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người, hướng dẫn của Sở NN&PTNT  đưa ra các nguyên tắc về VSTĐKT đối với người thực hiện phải có bảo hộ lao động phù hợp; hóa chất khử trùng ít độc hại với người và vật nuôi

05/06/2019
Hoàng Su Phì sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp

BHG - Ngày 4.6, tại xã Thông Nguyên, UBND huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng về sản xuất nông, lâm nghiệp (NLN) và tổng kết đánh giá mô hình giống lúa mới vụ Xuân gắn sản xuất cơ giới hóa năm 2019. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở NN&PTNT và Thường trực Huyện ủy, HĐND – UBND huyện Hoàng Su Phì cùng lãnh đạo các ban, ngành của huyện; cấp ủy, chính quyền và cán bộ Khuyến nông 25 xã, thị trấn.

 

05/06/2019