Triển khai các biện pháp phòng, trừ "sâu keo mùa thu"
BHG - Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và PTNT, loài “sâu keo mùa thu” đã được phát hiện và gây hại trên cây ngô với diện tích lớn ở 8/11 huyện, thành phố. Các địa phương và ngành chức năng đang nỗ lực tìm các giải pháp phòng, trừ, hạn chế sự lây lan và thiệt hại.
Sâu keo mùa thu trưởng thành. ảnh: CTV |
“Sâu keo mùa thu” tên tiếng Anh là Armyworm, tên khoa học là Spodoptera Frugiperda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Được phát hiện lần đầu tại châu Á ở Ấn Độ tháng 7.2018. Đây là loài sâu hại mới, đa thực có khả năng di trú xa, gây hại trên 80 loại cây trồng, nhưng nặng nhất trên các cây như ngô, lúa, mía… Sâu trưởng thành (đã hóa bướm) có chiều dài cơ thể 1,6 – 1,7cm, sải cánh 3,7 – 3,8cm; ấu trùng có màu xanh nhạt đến nâu sẫm, dài 3 – 4cm; nhộng dài 1,3 – 1,7cm có màu nâu sáng bóng.
Sâu keo mùa thu non. ảnh: CTV |
Trước khả năng gây hại ở nhiều loại cây trồng và dự báo trước sự xuất hiện của “sâu keo mùa thu” ở nước ta. Ngay từ đầu năm 2019, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp các địa phương điều tra, phòng trừ loại sâu hại này. Cuối tháng 2.2019 Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố phổ biến thông tin về loài sâu keo mùa thu và phân công cán bộ chuyên môn nắm bắt tình hình sâu bệnh, tiến hành lấy mẫu gửi về tỉnh để giám định nếu nghi ngờ là sâu keo mùa thu.
Tuy nhiên, theo đồng chí Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Dù ngành chức năng đã chỉ đạo và tập huấn cho cán bộ chuyên môn các địa phương từ rất sớm; nhưng do đây là loài sâu hại mới, được phát hiện tại nước ta vào tháng 4 vừa qua. Vì vậy, các địa phương còn chủ quan, khi phát hiện sâu đã gây hại trên diện rộng và diễn biến phức tạp, khiến cho công tác phòng, trừ của các cấp, ngành gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Cán bộ chuyên môn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra và hướng dẫn người dân Hoàng Su Phì phòng trừ sâu keo mùa thu |
Thống kê đến ngày 16.5, đã phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô ở 8 huyện gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần và Vị Xuyên, với mật độ trung bình 2 – 3 con/m2, cao 5 – 6 con/m2; tổng diện tích ngô bị sâu gây hại trên 4.800 ha, chiếm gần 16% tổng diện tích ngô đã trồng (chưa phát hiện sâu gây hại trên cây trồng khác). Huyện Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang chưa có báo cáo phát hiện. Sâu keo hiện đang gây hại trên cây ngô ở giai đoạn sinh trưởng từ 3 đến 12 lá, diện tích ngô bắp non đến thu hoạch tỷ lệ hại thấp; các giống ngô nhiễm sâu như: NK4300, Q2, NK66, CP989, CP999,,CP698, giống thuần.
Do đây là loài sâu mới xuất hiện nên đến nay chưa có thuốc đặc trị. Khi mới xuất hiện, các địa phương đã sử dụng các loại thuốc phòng, trừ sâu hại đang có trên thị trường để phun trừ với diện tích bị nhiễm lớn và bắt bằng tay với diện tích nhỏ, mới xuất hiện. Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bà con nên sử dụng các loại thuộc phòng trừ sâu keo mùa thu như: thuốc Selecron 500EC+ Karate 2,5 EC, thuốc rắc Vibam 5G, Vibasu 10H, Sherpa 10EC/25EC, Karate 2,5 EC, Targo 063SC, Anvado 100WP. Đã có 632 ha ngô được phòng trừ bằng thuốc, 1.416,0 ha được diệt trừ thủ công bằng tay. Ở Mèo Vạc, thuốc Selecron 500EC+ Karate 2,5 EC đã cho hiệu quả, sau khi sử dụng sâu chết 100%.
Trước tình hình trên, ngày 13.5, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu như: Thành lập các tổ công tác xuống cơ sở nắm tình hình, diễn biến gây hại của sâu, hướng dân nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ; chấn chính công tác triển khai nhiệm vụ về bảo vệ thực vật, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã phải chịu trách nhiệm và chỉ đạo các giải pháp xử lý tình hình sâu bệnh hại phát sinh, không để người dân tự xử lý, gây tốn kém và không hiệu quả; xây dựng hướng dẫn nhận hiết, biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; nghiên cứu đề xuất cấp kinh phí hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền về sâu keo mùa thu và dự phòng chống dịch khi cần thiết…
Đồng chí Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin: Hiện nay ngành đang thử nghiệm một số công thức kết hợp các loại thuốc bảo vệ thực vật đang có để phòng trừ sâu keo mùa thu, từ đó có thể đưa ra khuyến cáo cách phòng trừ chung trong toàn tỉnh. Đồng thời cùng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh cử cán bộ chuyên môn xuống các địa phương hỗ trợ phòng trừ sâu. Thời điểm này, người dân nên thực hiện theo các hướng dẫn của ngành chức năng. Với các diện tích bị nhiễm sâu lớn triển khai phun phòng trừ bằng các loại thuốc đã được khuyến cáo sử dụng. Với diện tích nhỏ nên bắt bằng tay để giảm thiểu chi phí. Chi cục đã liên hệ với các công ty uy tín chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, khi người dân có nhu cầu sẽ làm cầu nối đảm bảo cung cấp đủ thuốc phòng trừ sâu. Do là loài đa thực nên ngành chức năng khuyến cáo người dân theo dõi kỹ diễn biến gây hại của sâu keo mùa thu không chỉ trên cây ngô mà các loại cây trồng khác để có những phương án phòng trừ kịp thời.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc