Thêm nhiều phiên chợ"Đưa hàng Việt về nông thôn"
BHG - Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện cho người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng năm, tỉnh đều tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Không chỉ giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, còn đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn.
Nhộn nhịp chợ phiên Mốc 358, xã Bạch Đích, huyện Yên Minh. |
Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi, tràn lan làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, Sở Công thương đã và đang tích cực tổ chức các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, vùng sâu, vùng xa, biên giới; các hội chợ hàng Việt chất lượng cao. Những phiên chợ, hội chợ giúp người dân tiếp cận các loại hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, góp phần xây dựng lòng tin, văn hóa “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại địa phương.
Năm 2018, Sở Công thương chỉ đạo tổ chức 5 phiên chợ, 16 hội chợ triển lãm tại 11 huyện, thành phố (mỗi phiên chợ diễn ra từ 3 – 5 ngày, hội chợ kéo dài từ 6 – 7 ngày), với trên 1.700 gian hàng, thu hút gần 85.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Đồng thời, các đơn vị doanh nghiệp cũng tích cực đưa các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ gia dụng… chất lượng tốt, với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đến các phiên chợ họp hàng tuần, hàng tháng tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Sản phẩm, hàng hóa tham gia các phiên chợ, hội chợ triển lãm đảm bảo đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu, bày bán các sản phẩm hàng hóa đặc sản địa phương, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 13 điểm bán hàng Việt – nông sản tỉnh Hà Giang. Chị Nguyễn Thị Chuyên, chủ cửa hàng kinh doanh hàng Việt – nông sản tỉnh Hà Giang tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) cho hay: “Cửa hàng chủ yếu bán các sản phẩm nông sản, đặc sản Hà Giang như mật ong Bạc hà, rượu thóc Nàng Đôn, rượu Tam giác mạch, trà Shan tuyết, tinh bột nghệ, cam Sành và một số mặt hàng như hoa, củ Tam thất, thịt sấy, măng khô… Các mặt hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo thời hạn sản xuất – sử dụng, giá cả hợp lý nên người tiêu dùng rất yên tâm. Khách hàng chủ yếu là du khách đến tham quan, du lịch địa phương và khách ở các tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội… đặt hàng qua mạng xã hội facebook, zalo”.
Có thể thấy, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã mang lại những hiệu ứng tích cực, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng địa phương, đặc biệt là người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các phiên chợ, hội chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, uy tín thương hiệu Việt, mở rộng thị trường, xây dựng, mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; chú trọng kiểm tra hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đặc biệt, tiếp tục triển khai nhân rộng các điểm bán hàng Việt – nông sản Hà Giang trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc