Quản Bạ sản xuất rau an toàn, hướng tới nông nghiệp sạch
BHG - Hướng tới nông nghiệp sạch vì môi trường và người tiêu dùng là xu hướng tất yếu của thị trường. Nắm bắt được nhu cầu này, huyện Quản Bạ đã chú trọng hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Từ đó, kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn, xây dựng thương hiệu rau an toàn, chất lượng cao.
Gia đình anh Vàng Thống Cáo, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đóng gói rau xuất đi các siêu thị Hà Nội. |
Trong khu nhà lưới có diện tích gần 1 ha, anh Vàng Thống Cáo, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến đang hướng dẫn người lao động hái rau đậu Hà Lan đóng gói chuyển đến các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội, anh chia sẻ: “Tôi dựng nhà lưới bằng khung thép phủ nilon và quây lưới chống côn trùng với quy mô 1 ha. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ một phần kinh phí để mua vật tư, nhân công lắp dựng, tương ứng với 70% kinh phí, gia đình đối ứng bằng công san mặt bằng, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Sau khi hoàn thành nhà lưới và bắt đầu trồng rau từ năm 2018 đã đem lại hiệu quả khá tốt. Hầu hết rau, quả trong nhà lưới đều có tem, nhãn đảm bảo an toàn, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn... Năm qua, việc trồng rau trong nhà lưới đem lại cho gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng”.
Thu hoạch rau trong nhà lưới. |
Theo anh Cáo, chất lượng rau trồng trong nhà lưới rất tốt, do không có nhiều sâu bệnh hại nên ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Về hiệu quả kinh tế, nhà lưới có thể trồng rau quanh năm, đặc biệt là các loại rau trái vụ, sản phẩm sản xuất ra không đủ bán, có người đến thu mua tại vườn. Theo tính toán, 1.000m2 có thể sản xuất được từ 2-3 vụ rau trái vụ, thu được khoảng 6 tấn rau/năm, giá trị kinh tế gấp 2-3 lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống.
Được biết, Dự án “Sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị ATVSTP” có tổng kinh phí thực hiện trên 13 tỷ đồng. Huyện đã lựa chọn khoanh vùng sản xuất hàng hóa tại 5 thôn thuộc xã Quyết Tiến, gồm: Đông Tinh, Bó Lách, Tân Tiến, Lùng Thàng và Nậm Lương với quy mô 60 ha. Đây là nơi có giao thông nội đồng, nguồn nước, điện và nhân lực thuận lợi cho việc sản xuất. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và thủy sản tỉnh, tổ chức 5 lớp tập huấn cho 5 thôn trong vùng dự án với 300 người tham gia. Nội dung tập huấn về sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng các loại rau theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Sau tập huấn, người dân cơ bản nắm được các nội dung trong sản xuất rau an toàn, hữu cơ; phương pháp canh tác trái vụ, chính vụ, tiếp cận thị trường, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng quy trình.
Để người dân được tiếp cận với nguồn giống, phân bón có chất lượng, huyện đã hỗ trợ giống và trên 11 tấn phân bón cho các hộ có nhu cầu. Các hộ đang tập trung vào trồng các giống rau có giá trị kinh tế cao như: Bắp cải, Củ cải, Cà chua, Cải thảo, Cải bẹ dưa, Súp lơ xanh, Su hào, Bí siêu ngọn… Huyện đã xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán hàng tập trung tại thôn Bó Lách. Hỗ trợ kinh phí phân tích 4-6 mẫu rau trong chuỗi để kiểm tra các chỉ tiêu đảm bảo ATVSTP phục vụ xác nhận chuỗi rau an toàn; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản tỉnh hỗ trợ các hộ trồng rau làm tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Từ đó, nhận thức của người dân về sản xuất rau an toàn được nâng lên và dần tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Người trồng rau đã có ý thức hơn trong việc sản xuất rau an toàn để tạo niềm tin, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc