Khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo ở Nà Khương
BHG - Sau gần 4 năm thực hiện chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo của hệ thống chính trị, đoàn kết, đổi mới, thu hút đầu tư, thoát nghèo bền vững” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã nghèo Nà Khương (Quang Bình) đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nhờ ý chí vươn lên của người dân, nhiều gia đình từng bước thoát nghèo.
Ông Long Đức No (thứ 3 bên trái), Bí thư Chi bộ thôn Lùng Vi, xã Nà Khương nuôi trâu cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. |
Giai đoạn 2015 - 2018, hộ nghèo của xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nà Khương được Chương trình 135 hỗ trợ về giống, phân bón với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp; hơn 100 hộ dân được hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, nông cụ sản xuất theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 150 triệu đồng; nhiều nhà nhận hỗ trợ đất lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ; 12 hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, các chương trình vay vốn tín dụng khác đã trực tiếp đến tận tay hàng trăm người nghèo, khích lệ đồng bào nỗ lực giảm nghèo bền vững trên mảnh đất quê hương.
Với quan điểm ưu tiên những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, Đảng bộ xã Nà Khương tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân chú trọng các loại giống cây lương thực mới có sức kháng sâu bệnh, chịu hạn. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, cải tạo giống, khuyến khích phát triển đàn trâu, dê, lợn, gia cầm. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã dần hình thành các Nhóm sở thích, như: Nuôi trâu vỗ béo thôn Lùng Vi, nuôi lợn đen thôn Già Nàng, trồng ngô trên đất dốc thôn Bó Lầm. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản đạt và vượt so với nghị quyết; trong đó, năng suất ngô 32 tạ/ha, năng suất lúa 57 tạ/ha, tổng đàn trâu hiện có 1.422 con, đàn dê 855 con, đàn gia cầm trên 10.400 con.
Anh Lùng Văn Thái, thôn Già Nàng cho biết: “Tháng 4.2017, được sự hỗ trợ từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), gia đình đã làm chuồng trại kiên cố để nuôi lợn đen sinh sản và thương phẩm. Hiện trong chuồng nuôi luôn duy trì 25 con lợn, 1 năm xuất bán khoảng 1 tấn lợn hơi, thu nhập đạt 50 triệu đồng trở lên. Không những thế, cán bộ xã thường xuyên đến với bà con để tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nên nông sản làm ra dễ tiêu thụ, không bị tư thương ép giá, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân”.
Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, 70 hộ dân thôn Lùng Vi đều nuôi trâu, nhà ít nhất cũng nuôi được 2 con. Theo kế hoạch, năm 2019, thôn dự tính thoát 4/24 hộ nghèo. Cụ thể hóa mục tiêu này, chi bộ thôn đã họp bàn, thống nhất phân công từng đảng viên tham gia phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế. Ngoài phát huy lợi thế chăn nuôi gia súc, thôn vận động người dân trồng thêm ngô, lạc, trồng rừng để đa dạng các nguồn thu.
Anh Lý Văn Nghiệp, thôn Lùng Vi bày tỏ: “Năm nay, gia đình tôi được lựa chọn thoát nghèo. Vừa qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quang Bình đã cho vay 30 triệu đồng mua trâu nuôi theo hình thức vỗ béo và trồng rừng kinh tế. Tôi trồng được 0,5 ha cỏ ngọt và tận dụng nguồn cám, bã, rơm rạ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu. Với 5 con trâu, nuôi vỗ béo chỉ vài tháng là có thể xuất chuồng, thời gian thu hồi vốn nhanh, tạo động lực rất lớn cho tôi thoát nghèo, xây dựng đời sống no đủ, khấm khá hơn”.
Đồng chí Vũ Mạnh Tiềm, Chủ tịch UBND xã Nà Khương khẳng đinh: “Thời gian qua, tranh thủ nguồn lực của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân, mỗi năm, xã giảm 25 - 30 hộ nghèo. Bằng các giải pháp phù hợp, nhiều gia đình phát huy được thế mạnh sẵn có để làm giàu, góp phần lan tỏa các gương điển hình thoát nghèo. Mặc dù hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ tương đối cao, nhưng với tinh thần tự lực vươn lên của mỗi người, mỗi nhà, Đảng bộ xã định hướng mục tiêu phát triển kinh mũi nhọn đối với 5 cây, 3 con (cây chè, lúa, sắn, ngô, lạc và con trâu, lợn, dê) gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường để tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Với quyết tâm cao, xã phấn đấu đến năm 2020 mức thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người…”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc