Hiệu quả Nhóm sở thích nuôi trâu thôn Tà Lượt
BHG - Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), các hộ thành viên Nhóm sở thích nuôi trâu thôn Tà Lượt, xã Thèn Phàng (Xín Mần) có thêm nguồn vốn để tăng tổng đàn trâu của gia đình, từng bước chuyển đổi hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Anh Lý Đức Hà chăm sóc đàn trâu của gia đình. |
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, cuối năm 2016, Nhóm sở thích chăn nuôi trâu thôn Tà Lượt được thành lập. Trong quá trình tham gia, các hộ dân thực hiện đúng nội quy, quy chế, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, cũng như giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Hiện tại, nhóm có 10 thành viên nuôi trâu sinh sản và vỗ béo. Anh Lý Đức Hà, Trưởng nhóm cho biết: Xác định các yếu tố về điều kiện khí hậu, đất đai cũng như nhu cầu và giá cả thị trường tiêu thụ rất phù hợp với nuôi trâu, nên đa số các hộ dân đã chọn hướng nuôi trâu vỗ béo. Nếu như trước đây, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát thì đến nay nhiều thành viên Nhóm sở thích chuyển sang chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa, trung bình mỗi hộ thành viên nuôi từ 5 – 6 con.
Sau khi nhận được hỗ trợ 110 triệu đồng của chương trình CPRP, nhóm tiến hành họp các thành viên, thông qua quy chế, việc sử dụng nguồn hỗ trợ hợp lý và hiệu quả nhất. Trên cơ sở bàn bạc, thống nhất, nhóm quyết định sử dụng nguồn vốn để luân chuyển cho các thành viên vay. Trong đó, hỗ trợ 5 thành viên vay trước để mua trâu, sau 3 năm tiếp tục luân chuyển cho các thành viên còn lại. Với cách làm này, nguồn vốn được đầu tư tập trung hơn, mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Anh Thèn Đức Việt, thành viên nhóm cho biết: Từ vốn vay, gia đình mua trâu nuôi vỗ béo. Cứ sau 3 – 5 tháng sẽ xuất bán, tính ra mỗi năm từ 1 con trâu nuôi với hình thức trên cho thu nhập gần 15 triệu đồng/năm. Đối với anh Lý Đức Hà, nguồn vốn CPRP giúp gia đình anh có điều kiện mua trâu, mở rộng quy mô chăn nuôi. Kết hợp với các nguồn lực khác, tổng đàn trâu của gia đình anh luôn duy trì từ 10 – 12 con. Theo anh Hà, nuôi trâu vỗ béo nhanh thu hồi vốn, cho thu nhập cao hơn so với nuôi sinh sản. Chỉ tính riêng nuôi trâu, mỗi năm gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng. Hiện gia đình anh Hà là gương phát triển kinh tế điển hình tại xã Thèn Phàng. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, nhóm đã vận động các hộ thành viên tích cực chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi, trung bình mỗi hộ có 0,5 ha cỏ, đảm bảo thức ăn cho vật nuôi.
Theo quy định, nhóm sẽ tổ chức họp mỗi tháng 1 lần để đánh giá các hoạt động và thông báo tình hình phát triển chăn nuôi của các thành viên; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của cấp trên, những chính sách mới cũng như nâng cao nhận thức công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm để các thành viên chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Anh Hà chia sẻ thêm: Sau 3 năm thành lập, nhóm đang duy trì hoạt động tốt. Các hộ đã sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập. Hiện tại, có 8/10 hộ thành viên trong nhóm thoát nghèo và từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển ổn định. Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục thực hiện luân chuyển nguồn vốn để các thành viên có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc