Cấp nước an toàn vì sức khỏe cộng đồng
BHG - Nước sạch là một trong những yếu tố đảm bảo sự sinh tồn và phát triển của con người. Hiện nay, do biến đối khí hậu, nguồn tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao; vì vậy, việc nâng cao ý thức của các cấp, ngành và toàn dân về sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, các công trình cấp nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường là điều cấp thiết.
Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Bản Cưởm, Nà Báu, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) đáp ứng nhu cầu nước sạch cho trên 130 hộ dân. |
Xã Đạo Đức (Vị Xuyên) được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017. Để đạt tiêu chí môi trường, toàn xã có trên 70% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Chủ tịch UBND xã Đạo Đức, Phan Thị Thơm cho biết: “Môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện, vì rác thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý triệt để; ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Với quyết tâm đạt chuẩn Nông thôn mới, ngay từ khi mới bắt tay vào thực hiện các tiêu chí, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân, dần thay đổi thói quen xả rác bừa bãi; giao trách nhiệm cho từng hội, đoàn thể và các thôn xây dựng kế hoạch “mỗi tuần một phần việc” vệ sinh môi trường, dọn dẹp đường lãng, ngõ xóm, trồng cây cảnh quan, đào hố chôn lấp rác thải, sử dụng nguồn nước tiết kiệm…”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 794 công trình cấp nước sinh hoạt; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81,55%, tương đương 659.029 người; 57,81% hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 93,85% trạm y tế và 93,32% trường học có công trình cấp nước, nhà tiêu hợp vệ sinh. Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh là một trong những chương trình cấp nước sinh hoạt nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2016 – 2018, chương trình đã triển khai đầu tư xây dựng 38 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn với tổng số hộ được đấu nối sử dụng nước sạch 9.816 hộ; 63 công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh cho các trường học và 20 công trình cấp nước và vệ sinh cho trạm y tế xã; xây dựng 8 xã đạt tiêu chuẩn “Vệ sinh toàn xã”; xây mới và cải tạo 1.550 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình. Năm 2019, chương trình tiếp tục khảo sát, đầu tư xây dựng 13 công trình cấp nước sinh hoạt; 52 công trình cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế. Đến nay, đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra chất lượng nguồn nước đầu vào, tiến hành họp dân, khảo sát và thiết kế xây dựng.
Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Trần Xuân Dương cho biết: “Những năm qua, việc đầu tư các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng tăng; góp phần thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới. Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm nay với chủ đề “Cấp nước an toàn vì sức khỏe cộng đồng” là một trong những hoạt động thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các cấp, ngành và toàn dân về bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng môi trường sống tốt đẹp”.
Nước là tài nguyên Quốc gia vô cùng quý hiếm, để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống, mỗi người hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhất: Hãy sử dụng nước tiết kiệm khóa vòi nước sau khi sử dụng; không xả nước thải ra môi trường; thường xuyên làm sạch môi trường từ nơi ở, nơi sản xuất, trường học, cơ quan, công sở; bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng đầu nguồn và hãy lên tiếng khi phát hiện hành động gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc