Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
BHG - Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời điểm này, mặc dù trên cả nước đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi; tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm vẫn cao, các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào địa bàn.
Cán bộ thú y xã Nàn Ma (Xín Mần) phun hóa chất tiêu độc, khử trùng phương tiện từ Lào Cai vào địa bàn. |
Thời gian qua, Đoàn công tác của tỉnh và Sở Nông nghiệp - PTNT đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó tập trung vào công tác phòng, chống dịch tại các xã giáp ranh, biên giới, đường mòn, lối mở; chốt kiểm dịch động vật tạm thời; các hộ chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc; chợ buôn bán thịt lợn, làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của các huyện, thành phố và các ngành chức năng.
Qua kiểm tra cho thấy: UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ tuần tra lưu động, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm lợn; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh cho người dân. Các huyện Bắc Mê, Mèo Vạc, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang thành lập 9 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại địa bàn giáp ranh để kiểm tra, kiểm soát, phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn; tổ chức cho người dân ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn chết, bị bệnh; thiết lập hệ thống để kết nối thông tin theo đường dây nóng, nhóm zalo, đảm bảo thông tin kịp thời trong chỉ đạo và khi phát hiện có lợn mắc bệnh chết. Một số huyện ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra; cung ứng hàng nghìn lít hóa chất thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có nguy cơ, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn, các trạm, chốt kiểm dịch động vật. Các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Bắc Mê, Quang Bình, Yên Minh cấp kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh với tổng số tiền 676 triệu đồng. Thành phố Hà Giang và các huyện còn lại chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn, như: Đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 277 km, có nhiều đường mòn, lối mở, trong khi lực lượng chức năng mỏng; nhận thức của một số người dân, đặc biệt là hộ chăn nuôi còn hạn chế; một số cán bộ thú y xã không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn; các huyện chưa bố trí kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; công tác tuyên truyền tuy đã được các địa phương triển khai nhưng chậm và đơn điệu về hình thức, nội dung; chính quyền một số xã chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng không đúng quy định; chuồng trại chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt một số hộ dân xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra môi trường; nhiều hộ chăn nuôi có tư tưởng bán tháo đàn lợn và bị tư thương ép giá...
Để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào địa bàn, các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, như: Ban hành kịch bản ứng phó để chủ động, kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra; thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về tình hình dịch bệnh, kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật, tránh gây hoang mang trong xã hội; tuyên truyền, vận động người dân tập trung chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp xử lý dịch bệnh, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có lợn mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy; thông tin kịp thời giá cả thị trường để người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi; bố trí đầy đủ lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an và các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm từ lợn vận chuyển vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục phun hóa chất tiêu độc, khử trùng; khi có lợn bị chết, thực hiện quy trình lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; đội ngũ trưởng thôn, thú y cấp xã theo dõi chặt chẽ diễn biến đàn lợn, kịp thời báo cáp cấp thẩm quyền và đường dây nóng khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức tập huấn cho đội ngũ thú y cấp xã, phường, thị trấn.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc