Sản xuất chè ở Bắc Quang gặp nhiều khó khăn
BHG - Giá thu mua chè búp tươi hiện nay tại huyện Bắc Quang chỉ còn 2.500 – 3.000 đồng/kg, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình trồng chè, các HTX, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ cây chè.
Chúng tôi có chuyến thực tế tại các vùng trọng điểm trồng chè trên địa bàn huyện Bắc Quang và ghi nhận: Giá thu mua chè búp tươi hiện chỉ còn khoảng 2.500 – 3.000 đ/kg, giảm hơn một nửa so cùng kỳ năm 2018. Nhiều gia đình trồng chè tại các xã: Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, Hùng An, Vô Điếm... lâm vào tình trạng thu không đủ chi cho tái sản xuất. Và cũng rất nhiều các cơ sở thu mua, chế biến chè, các HTX, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Một số công ty chè buộc phải cắt giảm giá thu mua nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, phí lưu kho, giảm lợi nhuận để bù chi trả lãi vay ngân hàng. Nhiều nhận định rằng, thị trường chè năm nay sẽ còn nhiều biến động khó lường vì nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại...
Nông dân Bắc Quang thu hái chè Xuân. |
Báo cáo của UBND huyện Bắc Quang cho thấy, toàn huyện hiện có trên 5.700 ha chè; khoảng 4.700 ha đang cho thu hoạch, sản lượng gần 150 ngàn tấn chè búp tươi/năm; trong đó, gần một nửa là chè VietGAP. Hiện có 7 công ty, hàng trăm cơ sở sản xuất chè mi ni và hàng chục HTX thu mua, chế biến chè; trong đó, có khoảng 3 công ty chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu chè.
Xét về năng lực thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ cây chè trên địa bàn huyện Bắc Quang hiện còn rất khiêm tốn. Bởi lẽ, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ tham gia một phần nhỏ trong phân khúc thị trường xuất khẩu là sơ chế tại chỗ, rồi bán qua các công ty dưới dạng chè nguyên liệu. Dẫn đến, giá thành thu mua phụ thuộc, bị chi phối và sự biến động trên thị trường chè thế giới. Còn các cơ sở chế biến chè mi ni thì gần như sản xuất nhỏ lẻ, thu mua cầm chừng, sản phẩm thiếu đồng nhất. Phân khúc của sản phẩm này chủ yếu là bán tiêu dùng bình dân, giá thành thấp và luôn chịu tác động của thị trường nội tiêu vốn dư thừa nguồn cung.
Được biết, trong năm 2018, UBND huyện Bắc Quang đã tạo điều kiện cho gần 30 doanh nghiệp vào làm ăn, ký hợp đồng với nông dân. Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, thiếu bền vững. Để giải quyết tốt vấn đề này, cần có sự quản lý của Nhà nước về cơ chế, chính sách, có quy hoạch rõ ràng để mời gọi doanh nghiệp lớn vào đầu tư; kịp thời để bảo vệ quyền, lợi ích cho các bên trong quá trình duy trì liên kết…
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc