Quản Bạ vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ
BHG - Để rút ngắn thời gian lao động, không cần phải làm cỏ, nhiều nông dân trên địa bàn đã sử dụng thuốc diệt cỏ một cách tùy tiện… Có người còn cho rằng, phun thuốc càng đậm đặc thì hiệu quả càng cao, nên không pha thuốc theo hướng dẫn trên bao bì. Việc lạm dụng hoá chất đang gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Vì vậy, những năm qua, huyện Quản Bạ đã tăng cường vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ, và nhiều xã trên địa bàn đã nói không với thuốc diệt cỏ.
Người dân thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến trồng rau an toàn trong nhà lưới. |
Anh Vương Văn Thái, Bí thư Chi bộ thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến (Quản Bạ), chia sẻ: Trước đây, mỗi vụ ngô, người dân trong thôn thường phun 2, 3 lần (trước khi làm đất phun loại thuốc cỏ cháy nhanh để dễ dàng xử lý thực bì; khi ngô cao khoảng 40 cm thì phun lần 2, nếu cỏ còn sót lại tiếp tục phun lần 3) và thường sử dụng nồng độ cao hơn so với hướng dẫn. Nhiều người dân khi phun thuốc diệt cỏ còn không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan làn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt, là người trực tiếp sử dụng. Tuy nhiên, khi được tận mắt thấy sự tàn phá ghê gớm của thuốc diệt cỏ qua phim ảnh và thực tế tại các buổi tuyên truyền; các hộ dân đã tự giác ký cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ có vậy, 100% số hộ trong thôn còn thống nhất đưa việc không sử dụng thuốc diệt cỏ vào quy ước, hương ước của thôn. Theo quy ước, nếu phát hiện gia đình nào sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Làm cỏ trồng hoa màu theo phương thức truyền thống. |
Không chỉ riêng thôn Đông Tinh, các thôn, bản ở các địa phương khác trên địa bàn huyện đã hiểu rõ tác hại của thuốc diệt cỏ, nên các hộ chủ động ký cam kết nói không với thuốc diệt cỏ trong trồng trọt. Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến Nguyễn Văn Tuân, cho biết: Hiện, toàn xã có 1.052 ha đất gieo trồng, cùng với biện pháp tuyên truyền, vận động và đưa vào hương ước, quy ước thôn, bản; cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cán bộ chuyên môn tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người dân phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phòng, chống dịch hại bằng biện pháp sinh học, an toàn; đồng thời trực tiếp đến từng thôn tuyên truyền, trình chiếu các hình ảnh và tác hại của việc sử dụng thuốc diệt cỏ. Vận động người dân nhân rộng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, làm cỏ bằng máy và cày tơi xốp đất để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm rau sạch của địa phương...
Thành công trong việc vận động nhân dân không sử dụng thuốc diệt cỏ ở xã Quyết Tiến đã trở thành cơ sở để triển khai trong toàn huyện. Với phương châm “Cán bộ, đảng viên trong toàn xã phải đi đầu, làm gương; các hộ dân phát huy vai trò tự giám sát, tự thực hiện”. Từ năm 2017 đến nay, huyện Quản Bạ chỉ còn một số ít hộ ở vùng sâu, vùng xa sử dụng thuốc diệt cỏ, khi phát hiện sẽ bị xử phạt theo quy ước của thôn và ký cam kết không tái sử dụng thuốc diệt cỏ. Để có được kết quả như hôm nay là nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; sự đồng lòng, nhất trí cao của các hộ dân. Cùng với đó, đầu năm 2019, UBND huyện Quản Bạ tiếp tục ban hành kế hoạch phát động phong trào “Không sử dụng thuốc diệt cỏ, gắn với thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá hạn sử dụng và loại bỏ thuốc có chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam”. Đây là việc làm tích cực, góp phần giảm thiểu những tác hại từ hoạt động sản xuất phụ thuộc vào thuốc BVTV nói chung và thuốc diệt cỏ nói riêng để đảm bảo môi trường sống, sức khoẻ của người dân – Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Hạng Dương Thành, cho biết.
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc