Phát triển kinh tế gia đình ở xã Đông Hà
BHG - Những năm qua, nền kinh tế của xã Đông Hà (Quản Bạ) đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; đối với nhiều hộ dân, cái nghèo, cái đói đang dần lùi xa… Đó là kết quả của đường lối đúng đắn, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế gia đình (KTGĐ) đang tạo ra sự thay đổi lớn trong đời sống người dân nơi đây.
Ông Trương Đức Long, thôn Sang Phàng với mô hình nuôi cá mang lại nguồn thu khá cho gia đình. |
Phát triển KTGĐ ở xã Đồng Hà hiện đang có bước đột phá mới với những mô hình, hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương đã đem lại lợi nhuận đáng kể, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào; được xem là nét mới, đa dạng từ lĩnh vực kinh doanh, trồng cây ăn quả như: Hồng, xoài, mía đến trồng rừng, nuôi thủy sản…
Đông Hà hiện có 689 hộ, sinh sống tập trung ở 4 thôn; trong đó, hơn 50% số hộ đều có các mô hình phát triển KTGĐ với quy mô và mức đầu tư tương đối lớn và tập trung ở các thôn Nà Sài, Sang Phàng, Thống Nhất… Do điều kiện đặc thù, các hộ đều phát triển kinh tế theo mô hình trồng cỏ gắn với chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả đặc trưng của địa phương như: Na, Hồng không hạt, xoài và mới đây nhất người dân có thêm nghề mới là nuôi trồng thủy sản, do biết tận dụng nguồn nước từ Nhà máy Thủy điện Thái An.
Thực tế cho thấy, xã Đông Hà không ít hộ phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau, vươn lên xoá nghèo, tiến tới làm giàu; tiêu biểu phải kế đến gia đình ông Trương Đức Long, thôn Sang Phàng. Tận dụng nguồn nước sẵn có từ các khe núi, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn, đào ao thả các loại cá Bỗng, Chép, Trắm cỏ, Rô phi; ngoài ra ông còn nuôi lợn, trồng trên 200 gốc na và xoài, mỗi năm trừ chi phí, gia đình có thu nhập trên dưới 70 triệu đồng. Gia đình anh Lò Mí Páo cùng thôn với ông Long lại chọn cách mua bò gầy về vỗ béo, trồng mía xương gà; mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Chị La Thị Xuân, thôn Thống Nhất với mô hình làm dịch vụ xay xát, nuôi lợn thịt, lợn nái theo quy mô bán trang trại; anh Sàng Sào Trấn, thôn Nà Sài trồng hơn 2 ha mỡ, Bạch đàn, Sa mộc… Đáng chú ý hơn, từ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; nhiều hộ đã tình nguyện xin ra khỏi diện nghèo, đây được xem là nhân tố mới để thúc đẩy kinh tế của xã ngày một phát triển.
Đồng chí Nguyễn Văn Thìn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hà cho biết: Để khuyến khích các hộ tích cực phát triển KTGĐ, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, huyện Quản Bạ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân về vốn, cây, con giống, làm bể bioga; quan tâm tìm đầu ra cho nông sản. Chính điều này đã, đang giúp người dân các xã, thi trấn, trong đó có Đông Hà yên tâm phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo thành mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; qua đó, làm cho nền kinh tế ở Đông Hà ngày một khởi sắc.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc