Phát triển đô thị ở Bắc Quang - cách làm và hướng đi vững chắc
BHG - Xu hướng đô thị hoá nông thôn đang dần được Đảng bộ huyện Bắc Quang hiện thực hoá trong tầm nhìn phát triển KT-XH trên địa bàn nhằm thu hút đầu tư, mở mang các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công, mỹ nghệ; thương mại, dịch vụ, du lịch, việc làm… và nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân.
Một góc trung tâm thị trấn Việt Quang. |
Xây dựng huyện Bắc Quang đến năm 2020 trở thành vùng động lực phát triển KT-XH là mục tiêu lớn. Cuối năm 2018, Đảng bộ, chính quyền huyện chính thức điều chỉnh và mở rộng quy hoạch đô thị trung tâm thị trấn Việt Quang lên thêm 120 ha; quy hoạch và nâng cấp xã Hùng An trở thành đô thị loại V gắn với hoàn thành xây dựng Nông thôn mới. Nâng cấp và mở rộng quy hoạch thị trấn Vĩnh Tuy thêm 10 ha; xã Tân Quang cũng được đặt mục tiêu nâng cấp thành đô thị loại V vào cuối năm 2020.
Sau quá trình quy hoạch và điều chỉnh, Bắc Quang đã tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các thị trấn và coi đó là bước đột phá để thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm cho người dân. Đến nay, Vĩnh Tuy đã chính thức trở thành đô thị Loại V; xã Tân Quang đã hoàn thành mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Việc đầu tư, nâng cấp Tân Quang trở thành thị trấn sẽ được tiếp tục thực hiện vào đầu năm 2020. Còn hiện tại, xã Hùng An là đầu mối kết nối KT-XH giữa các vùng đang tập trung toàn bộ nguồn lực để đầu tư xây dựng. Mục tiêu hoàn thành NTM, gắn nâng cấp trở thành đô thị loại V ở xã Hùng An vào cuối năm 2019 đang trở thành hiện thực. Thị trấn Việt Quang, hiện đang mở rộng quy hoạch và là nơi hấp dẫn thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2018, thị trấn Việt Quang đã cấp mới 26 giấy phép, cấp đổi trên 260 giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp. Trung tâm thị trấn có trên 600 doanh nghiệp, HTX và hàng ngàn hộ kinh doanh. Tổng giá trị trao đổi hàng hoá năm 2018 đạt trên 1.700 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương vượt hàng tỷ đồng so kế hoạch giao. Tại thị trấn Vĩnh Tuy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm dịch vụ ngày một nhiều và hiện đang là tâm điểm thu hút hàng trăm tỷ đồng đầu tư của nhiều doanh nghiệp, vào sản xuất, chế biến. Kèm theo đó là lực lượng lao động trẻ, tiềm năng đã, đang đổ dồn về các nhà máy, dây chuyền sản xuất trong nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.
Hiện nay, nhìn tổng thể quá trình phát triển và mở rộng đô thị tại Bắc Quang, cho thấy: Lấy trung tâm là thị trấn Việt Quang mở rộng lên phía Bắc là Tân Quang, chạy dọc xuống phía Nam là Vĩnh Tuy, Hùng An. Nhìn từ các điểm kết nối là các đô thị vệ tinh sẽ thấy: Trung tâm xã Tân Quang hiện được xem như một thị trấn đông đúc nhất của cả vùng về giao thương với các huyện: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì. Kèm theo đó, Tân Quang còn có rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quầy dịch vụ nở rộ dọc tuyến Quốc lộ 2 và điểm kết nối Tỉnh lộ 177 xuyên sang các tỉnh vùng Tây Bắc. Với xã Hùng An, hiện đang được đầu tư hoàn thiện xây dựng NTM, gắn nâng cấp lên thị tứ vùng trung tâm trong năm 2019, trở thành đô thị loại V vào cuối năm 2020 sẽ là nơi giao thương với các tỉnh khu vực Đông Bắc là Cao Bằng, Bắc Kạn... theo trục Quốc lộ 279, và cũng là nơi kết nối giao thương với phía Tây Bắc với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La.
Một trong những mục tiêu mở rộng đô thị được Bắc Quang nhằm đến trong những năm tiếp theo là xã Kim Ngọc - trung tâm kinh tế vùng Tiểu khu Trọng Con nằm trên Quốc lộ 279 kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc. Và một đô thị rất gần trong tương lai là cụm xã Đồng Yên nằm trên Tỉnh lộ 183, trục kết nối phía Nam về các huyện Quang Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La...
Với định hướng, mục tiêu và cách làm bài bản trong đầu tư phát triển đô thị; hy vọng, huyện Bắc Quang ngày càng phát triển, xứng tầm là một trong những trung tâm KT-XH của tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc