Phát huy vai trò hoạt động của Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh
BHG - “Mặc dù lực lượng hết sức mỏng so với địa bàn quá rộng, nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhân dân trên địa bàn rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh cùng vào cuộc nên các chỉ tiêu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR)... trong thời gian qua đạt được những kết quả như mong đợi”. Đó là tâm sự của đồng chí Cao Đại Quang, Giám đốc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh với chúng tôi.
Lễ cúng và trồng rừng tại thôn Khuổi My, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) - địa bàn nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh. |
Khu bảo tồn thiên nhiên (rừng đặc dụng) Tây Côn Lĩnh có diện tích trên 15.000 ha, nằm trên địa bàn 27 thôn của 10 xã thuộc 3 huyện, thành phố. Trong đó chủ yếu trên địa bàn huyện Vị Xuyên, kéo dài từ xã Lao Chải qua Xín Chải, Thanh Thủy, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thượng Sơn; thành phố Hà Giang có xã Phương Độ, Phương Thiện; huyện Hoàng Su Phì có xã Túng Sán. Trên toàn bộ khu vực có 796 loài thực vật đã được ghi nhận, trong đó 54 loài thực vật quý hiếm, 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 15 loài ghi trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã cần được bảo vệ nghiêm ngặt. BQL rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã trong Khu bảo tồn thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo toàn thể công chức, viên chức trong đơn vị thường xuyên bám, nắm địa bàn, làm tốt phối hợp với tổ bảo vệ, hộ nhận khoán tăng cường tuần tra bảo vệ rừng và theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết. Đối với công tác chăm sóc rừng trồng đặc dụng, đã phối hợp chặt chẽ với UBND xã Túng Sán tổ chức kiểm tra, giám sát các hộ nhận khoán việc phát, chăm sóc diện tích rừng trồng (năm thứ 4) với diện tích 19,8 ha theo đúng quy trình kỹ thuật. Qua kiểm tra cho thấy, cây phát triển tốt, đảm bảo mật độ cây trồng.
Công tác quản lý, bảo vệ, và PCCCR luôn được xác định “phòng ngừa là chính”, ngay từ đầu năm, đơn vị chú trọng đến tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Đặc biệt, bố trí công chức, viên chức thường xuyên bám, nắm địa bàn cùng ăn, cùng ở với nhân dân, do đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong quản lý, bảo vệ rừng của người dân. Năm qua, đơn vị tổ chức tuyên truyền, ký cam kết được 27/27 thôn cho 1.524 lượt người tham gia về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thường xuyên phối hợp với UBND các xã trong khu bảo tồn và các cơ quan chức năng, bên nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra, tuần rừng, đã phát hiện, xử lý được 4 vụ (giảm 5 vụ so với năm trước) gồm: Phá rừng trái phép, khai thác lâm sản trái phép 1 vụ, cất giữ lâm sản trái phép 2 vụ; tịch thu 5,208 m3 lâm sản (gỗ từ nhóm II đến nhóm VI), thu nộp ngân sách nhà nước 3.250.000 đồng. Đối với công tác PCCCR trong mùa hanh khô, cao điểm về cháy rừng, BQL đã chỉ đạo, tổ chức cho lực lượng triển khai phát dọn thực bì, tu sửa đường băng cản lửa; cắt cử cán bộ, tổ, đội nhận khoán trực PCCCR 24/7 tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, ký cam kết thực hiện PCCCR với người dân được triển khai hiệu quả, nên những năm gần đây trên địa bàn rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh không xảy ra tình trạng cháy rừng. Năm qua, BQL đã nghiệm thu, giải ngân xong nguồn vốn bảo vệ rừng tự nhiên năm 3 và năm 5 với diện tích là 11.959,6 ha, đạt 100% kế hoạch; phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ, đội nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, tuần rừng, bảo vệ rừng trên diện tích 13.000 ha có cung ứng dịch vụ môi trường rừng...
Có thể khẳng định, mặc dù gặp những khó khăn như: Cán bộ biên chế ít phải kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi triển khai công việc có những xã phải di chuyển trên 100 km; kinh phí để thực hiện nghiên cứu khoa học, các chương trình giám sát đa dạng sinh học; hệ thống cơ sở hạ tầng về lâm nghiệp còn thiếu thốn, yếu kém; biến đổi khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn và rét hại thường xuyên xảy ra cho nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của động, thực vật, nhất là cây trồng... nhưng tập thể BQL rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đã nỗ lực thực hiện triển khai có hiệu quả các nguồn vốn được giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ và phát triển rừng, không để mất rừng; giữ vững được tiêu chuẩn, tiêu chí của rừng đặc dụng trên địa bàn giao quản lý. Năm 2019, đơn vị tiếp tục chỉ đạo toàn thể công chức, viên chức phải thường xuyên bám, nắm địa bàn, phối hợp tốt với chính quyền địa phương và tổ bảo vệ rừng, hộ nhận khoán thường xuyên tuần tra rừng; ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào để áp dụng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đầu tư trang thiết bị làm việc và đào tạo kiến thức để cán bộ trong đơn vị đáp ứng được yêu cầu nhiemj vụ. Thay đổi hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân... - Giám đốc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh, Cao Đại Quang cho biết thêm.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc