Nâng cao trách nhiệm bảo vệ "lá phổi xanh" ở Bắc Mê

09:53, 03/04/2019

BHG - Xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, huyện Bắc Mê triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả; ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng; tạo nhiều sinh kế từ rừng giúp người dân ổn định cuộc sống.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện cùng tổ bảo vệ rừng thôn Phiêng Luông (xã Phiêng Luông) tuần tra, bảo vệ rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện cùng tổ bảo vệ rừng thôn Phiêng Luông (xã Phiêng Luông) tuần tra, bảo vệ rừng.

Là xã có diện tích rừng tự nhiên lớn (trên 1.900 ha) với nhiều loại gỗ quý hiếm, độ che phủ rừng đạt tỷ lệ trên 75%, Phiêng Luông luôn trong tầm ngắm của “lâm tặc”. Để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với UBND xã thành lập 4 tổ bảo vệ rừng cộng đồng tại 4 thôn trên. Mỗi tổ gần 20 người; có quy chế hoạt động, lịch tuần tra rừng cụ thể; thành viên là những người có sức khỏe, trách nhiệm, được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu; kinh phí hoạt động của tổ được trích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và được nhân dân trong thôn biểu quyết thống nhất, giám sát chi tiêu. Tổ bảo vệ rừng cộng đồng ngoài nhiệm vụ thường xuyên tuần tra rừng; kịp thời phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng; còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Phiêng Luông, Cử Mí Lúa chỉ tay về phía những cây gỗ cổ thụ, chia sẻ: “Những cây gỗ to này luôn là mục tiêu của “lâm tặc”; chúng tôi phải thường xuyên tuần tra, bảo vệ. Khi phát hiện người lạ vào thôn, mọi thông tin đều được tổ xác minh, báo về xã và kiểm lâm địa bàn. Việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của người dân. Ở đây, ai cũng hiểu, rừng cho mọi người cuộc sống, rừng giúp ngăn ngừa thiên tai nên mọi người dân đều là một kiểm lâm địa bàn”… Từ mô hình này, hiện nay tất cả các thôn trên địa bàn huyện đều thành lập được tổ, đội quản lý rừng, nhờ vậy trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư được nâng lên.

 Vườn ươm giống cây của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Mê, cung ứng giống lâm nghiệp chất lượng cho người dân trồng rừng kinh tế.
Vườn ươm giống cây của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Mê, cung ứng giống lâm nghiệp chất lượng cho người dân trồng rừng kinh tế.

Bắc Mê hiện có trên 51.000 ha rừng với nhiều loại lâm sản giá trị kinh tế cao. Do địa hình phức tạp, nhiều cây gỗ quý ở trong các khu rừng giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh; lực lượng kiểm lâm mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ; thủ đoạn hoạt động của “lâm tặc” ngày càng tinh vi, manh động nên nhiều năm trước, nơi đây là một trong những “điểm nóng” về tình trạng chặt phá rừng trên địa bàn tỉnh. Các xã có nhiều diện tích rừng tự nhiên như Minh Sơn, Phiêng Luông, Yên Cường, Thượng Tân thường xuyên xảy ra các vụ chặt phá rừng trái phép. Nhưng đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình trạng chặt phá, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép giảm đáng kể. Năm 2018, toàn huyện xảy ra 19 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, giảm 30% so với năm 2017. Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với đối tượng vi phạm; theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; điều tra sâu bệnh hại rừng; ký cam kết bảo vệ rừng với 5.558 hộ dân; tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCCR và quản lý, bảo vệ rừng cho các tổ quần chúng bảo vệ rừng; tăng cường quản lý các cơ sở chế biến gỗ; máy cưa xăng; cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã thông thường, sinh sản trên địa bàn.

Ngay từ đầu mùa khô, UBND huyện đã ban hành chỉ thị, kế hoạch về tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR; kiện toàn Ban Chỉ huy từ cấp huyện đến xã, thị trấn và 139 tổ, đội PCCCR tại cơ sở; xây dựng phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường kiểm tra PCCCR; chấm điểm thi đua trong công tác PCCCR giữa các địa phương; chủ động phát hiện sớm, triển khai nhanh, ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của người dân và cán bộ kiểm lâm. Việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng được người dân gắn với công tác bảo vệ rừng...

Việc phát triển kinh tế rừng được các địa phương chú trọng. Với giá trị lâm sản ngày càng cao, việc trồng rừng kinh tế đang tạo ra sinh kế giúp người dân thoát nghèo. Ban Quản lý rừng phòng hộ của huyện xây dựng vườn ươm với quy mô 40 vạn cây giống, bước đầu sẽ đáp ứng được nhu cầu về giống cây lâm nghiệp chất lượng trên địa bàn huyện.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Mê, Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng và đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng; công tác quản lý và bảo vệ rừng đang dần đi vào ổn định. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của cả hệ thống chính trị và người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2019, ngành Kiểm lâm tiếp tục tham mưu cho huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp”.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam tổ chức Hội nghị khách hàng

BHG - Sáng 30.3, tại khách sạn Công Đoàn, thành phố Hà Giang, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) Chubb Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khách hàng. Dự có lãnh đạo Công ty BHNT Chubb Việt Nam cùng đông đảo khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Giang.

30/03/2019
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Mê

BHG - Ngày 29.3, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Bắc Mê để kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Huyện Bắc Mê có tổng đàn lợn trên 44.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Cường, Minh Sơn và thị trấn Yên Phú. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, huyện đã khẩn trương ban hành các kế hoạch, văn bản để đôn đốc các ngành chức năng, các xã, thị trấn chủ động phòng, chống dịch bệnh. 

29/03/2019
"Tiếp lửa" cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp

BHG - Chiếm trên 50% tổng số thanh niên toàn tỉnh, thanh niên nông thôn được xác định là lực lượng lòng cốt, đi đầu cho những chương trình khởi nghiệp (KN) tại địa phương. Với các lợi thế, như: Là người bản địa, có diện tích đất, sức khỏe và sự nhiệt tình..., đây được xem là đối tượng để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.

29/03/2019
Chung tay bảo vệ bền vững tài nguyên nước

BHG -  "Nước được ví như máu của sự sống, là "vàng trắng" Quốc gia. Ở tỉnh ta, nguồn tài nguyên nước (TNN) dồi dào nhưng phân bố không đồng đều; đặc biệt, nguồn tài nguyên này không thể vô tận nếu việc khai thác, sử dụng không đi liền với quản lý, bảo vệ bền vững" – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hoàng Văn Nhu chia sẻ.

29/03/2019