Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
BHG - Thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo Đề án 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, thời gian qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động (LĐ). Nhiều LĐ nông thôn được đào tạo nghề đã có việc làm ổn định, nâng cao mức sống và cơ bản đạt được các mục tiêu trong đào tạo nghề.
Học nghề thủ công tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh. |
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 34.312 người; trong đó, cao đẳng 860 người, trung cấp 2.382 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 31.070 người. Số người được hỗ trợ đào tạo nghề là trên 25.000 người. Có được kết quả trên, là nhờ sự nỗ lực của các ngành chức năng đã quan tâm đầu tư một số cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Cấp ủy, chính quyền đã làm tốt công tác định hướng việc làm cho người dân. Hàng năm, các huyện, thành phố đã tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân để định hướng nghề nghiệp và làm cơ sở đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Công tác định hướng nghề nghiệp cho người LĐ được triển khai với nhiều hình thức, như: Thông qua tư vấn, các hội nghị tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phát hành tài liệu hỏi đáp, các trang Web, hội chợ việc làm…
Thông qua học nghề, nhiều LĐ nông thôn đã có cơ hội tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong những đối tượng được đào tạo nghề có những người được hưởng chính sách ưu đãi, như: Người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… Về giải quyết việc làm sau đào tạo trong lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 70% LĐ có việc làm, như: Dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế biến chè, xây dựng dân dụng, may mặc… Đối với các nghề nông nghiệp có trên 85% LĐ sau khi học xong có nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, tăng thu nhập. Hiệu quả đào tạo nghề đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo; nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo toàn tỉnh từ 46% năm 2015 lên 50,8% năm 2018.
Một số huyện, thành phố đã xây dựng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người LĐ, tiêu biểu như: Mô hình trồng dược liệu tại huyện Quản Bạ; kỹ thuật xây dựng tại huyện Hoàng Su Phì; kỹ thuật trồng rau an toàn tại thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Mèo Vạc; trồng ngô hàng hóa tại Xín Mần; dệt thổ cẩm tại huyện Yên Minh, Quản Bạ; nuôi ong lấy mật tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc; cắt may cho người khuyết tật tại huyện Vị Xuyên… Các mô hình đã liên kết được người LĐ với doanh nghiệp, hợp tác xã và thành lập các tổ dịch vụ tiêu thụ sản phẩm do học viên làm ra. Giúp cho LĐ nông thôn ổn định việc làm, cải thiện đời sống góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Thu Hà, Trưởng nhóm nghiên cứu đánh giá Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn dưới góc độ giới, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW): “Sau một thời gian khảo sát tại tỉnh Hà Giang cho thấy, việc thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg đã giúp cho người LĐ thực hiện tốt hơn nghề nghiệp của chính mình; góp phần nâng cao năng lực, áp dụng KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương và xóa đói, giảm nghèo. Song cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo nghề cho những LĐ có trình độ văn hóa thấp, không thành thạo tiếng phổ thông thì cần phải thiết kế tài liệu đào tạo bằng tiếng dân tộc thiểu số và thực hiện “cầm tay chỉ việc”. Không chỉ đào tạo về kỹ thuật mà cần đào tạo về tác phong làm việc cho người LĐ, kỹ năng tính toán trong kinh doanh để từ đó, người LĐ có thể gắn bó lâu dài với nghề mới”.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc