Hướng đi mới ở Tân Thành
BHG - Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những tác động không nhỏ vào quá trình sản xuất, lưu thông của nền kinh tế toàn cầu. Hàng hoá hiện rất đa dạng, nhiều chủng loại, làm cho người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn các sản phẩm... Nhận thức rõ điều này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Thành (Bắc Quang) đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
HTX Huỳnh Minh nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sông Lô 4. |
Mô hình khởi nghiệp của HTX Thanh niên Huỳnh Minh có diện tích trên 6.000 m2 đất và hàng ngàn m2 thuộc vùng ngập nước của Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4; chủ trang trại là 2 thanh niên, Trần Tuấn Minh 25 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế tài chính và Phạm Thế Huỳnh, với tấm bằng Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Cả 2 gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết, tâm sự: Khởi nghiệp vốn rất khó đối với tuổi trẻ. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vừa là “đối thủ”, vừa là “thước đo” của ý chí sáng tạo, sức trẻ. Cả Minh và Huỳnh đều khởi nghiệp bằng nguồn vốn đầu tư của 2 gia đình và 7 thành viên góp lại được trên 300 triệu đồng.
HTX Thanh niên Huỳnh Minh đã chọn: Nuôi cá lồng đặc sản trên lòng hồ thủy điện với 1 bè, 14 lồng; xây bể nuôi giun Quế với diện tích trên 200 m2 làm thức ăn cho cá; làm gia trại nuôi gà thịt thả vườn; chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ… theo chuỗi khép kín, tạo ra sản phẩm chăn nuôi hữu cơ. Nuôi trồng thủy sản hữu cơ trong vùng lòng hồ Thuỷ điện Sông Lô 4 đang là hướng đi mới đầy tiềm năng; việc làm của HTX Huỳnh Minh không mới, nhưng cách làm lại rất mới ở xã vùng 3 Tân Thành... Đảng bộ, chính quyền xã đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để thúc đẩy tuổi trẻ mạnh dạn đi đầu trong các phong trào tạo dựng cơ nghiệp dựa trên tiềm năng sẵn có ở địa phương. Hiện, trên lòng hồ Thủy điện Sông Lô 4 đã có 6 bè nuôi cá, với hàng trăm lồng nuôi trồng thủy sản đặc sản của xã Tân Thành; hứa hẹn cung cấp ra thị trường những sản phẩm hữu cơ tốt nhất cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Xu hướng chuyển từ sản xuất chè VietGAP sang chế biến chè đặc sản Nậm Am 100% hữu cơ cũng được Đảng bộ xã quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Theo đó, trên trăm ha chè Nậm Am mọc ở triền núi thuộc khu vực rừng già có độ cao trên nghìn m sẽ được bảo quản và thu hái tự nhiên. Các phương pháp chế biến tại chỗ được làm theo cách truyền thống mang tính độc đáo riêng của đồng bào Dao đỏ. Cơ sở thu mua, chế biến, cung cấp chè hữu cơ Nậm Am Vĩnh Sính là cơ sở duy nhất đăng ký thương hiệu, chế biến và cung cấp độc quyền đến người tiêu dùng. Chè được trồng, chăm bón, chế biến theo phương pháp truyền thống; cây mọc tự nhiên trên rừng già, được người dân gìn giữ, cắt tán, tỉa cành, hái búp, chế biến tại chỗ. Cây chè Nậm Am sống dựa vào độ phì nhiêu của đất đai và khí hậu, được thiên địch bảo vệ qua hàng trăm năm trên núi nên mang trên mình những dưỡng chất bổ dưỡng có lợi cho sức khoẻ, phòng ngừa các bệnh nan y, chống lão hoá... được người tiêu dùng săn tìm.
Không thể không nhắc đến cây Thảo quả tại thôn Phìn Hồ, khi chúng mang lại những lợi ích to lớn trong cộng đồng dân cư. Với diện tích trên 340 ha, mỗi năm Thảo quả góp phần xoá nghèo cho hàng chục hộ đồng bào. Thảo quả cũng được chế biến thành nhiều loại sản phẩm, như: Thảo quả khô dùng làm thuốc; Thảo quả tươi được ngâm chua; cây Thảo quả non dùng chế biến thức ăn với nhiều bổ dưỡng... Người dân các thôn Phìn Hồ 1, 2 và 3, cho biết: Giữ rừng, trồng Thảo quả đã, đang mở ra cho họ nhiều sinh kế; tới đây sẽ là du lịch khám khá, nghỉ dưỡng trên đỉnh phù tang mây bay Phìn Hồ. Du khách đến sẽ được thoả sức ngắm thiên nhiên hùng vĩ và ăn, nghỉ cùng với người dân bản địa; được thưởng thức các món ăn từ núi rừng, được nghe, xem các phong tục tập quán của đồng bào sống trên đỉnh non cao. Du lịch homestay trên đỉnh Phìn Hồ sẽ là lựa chọn phát triển của xã Tân Thành và là cách làm kinh tế, cách gìn giữ môi trường, bản sắc độc đáo của người dân Phìn Hồ trong thời gian không xa.
Đề cập tới các loại cây, con có thế mạnh khác, như: Cam Sành và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm... Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Nguyễn Viết Thắng, cho biết thêm: Chính quyền xã tạo mọi điều kiện để các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các cơ chế, chính sách khác để phát triển sản xuất, chăn nuôi đại gia súc hàng hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác và các HTX liên kết cùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng đến, thành lập các chuỗi giá trị từ sản xuất sạch, phân phối đến tay người tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ… Những hướng đi, cách làm mới đã, đang làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế tại xã Tân Thành.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc