Hiệu quả Đề án bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù
BHG - Trước nguy cơ thoái hóa giống lợn đen có nguồn gen quý hiếm, đặc trưng của xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc đã triển khai Đề án bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù. Sau hơn một năm thực hiện, hiệu quả bước đầu đã góp phần tăng năng suất, giá trị thu nhập từ chăn nuôi; giúp người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế và tăng thu nhập tại chỗ.
Cán bộ kỹ thuật HTX Tuấn Dũng chăm sóc đàn lợn đen Lũng Pù. |
Qua tìm hiểu, giống lợn đen Lũng Pù có khả năng chống chịu với môi trường khắc nghiệt; ăn tạp và có sức đề kháng cao; chất lượng thịt thơm, ngon hơn so với các giống lợn đen khác. Hiện, trên địa bàn xã Lũng Pù, giống lợn đen có khoảng 2.000 con; tuy nhiên, số lượng đàn lợn đen Lũng Pù thuần chủng đang đối mặt với nguy cơ thoái hóa nhanh do bị lai tạp; giao phối cận huyết dẫn đến suy giảm khả năng sinh sản; công tác nuôi dưỡng, chăm sóc của người dân kém; chuồng nuôi không đảm bảo, dinh dưỡng mất cân đối khiến tốc độ tăng trưởng chậm, hiệu quả chăn nuôi không cao. Mặt khác, thị trường tiêu thụ hạn chế, chưa có liên kết giữa người chăn nuôi và cơ sở chế biến để tạo đầu ra ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Trước thực tế đó, huyện Mèo Vạc xác định áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi nhằm bảo tồn, khai thác hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng giống lợn đen Lũng Pù; tiến tới mở rộng sản xuất giống, cung cấp cho người dân trong và ngoài huyện.
Lợn nái của HTX Tuấn Dũng đã tạo ra nhiều con giống thuần chủng. |
Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc, cho biết: Người dân trên địa bàn huyện có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi giống lợn đen Lũng Pù; nguồn giống sẵn có tại địa phương, được thuần hóa lâu đời nên thích nghi cao, sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về thực phẩm từ thịt lợn, nhất là các sản phẩm từ thịt lợn sạch tăng cao đã thúc đẩy người dân chăn nuôi. Do đó, Đề án bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù được triển khai không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế của các xã, giúp người dân từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo mà còn xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của huyện.
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, huyện Mèo Vạc hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng xây dựng mô hình bảo tồn giống lợn đen Lũng Pù thông qua tuyển chọn và tạo dựng đàn lợn giống sinh sản. Mục tiêu hàng năm, sản xuất và cung ứng cho người chăn nuôi từ 700 - 1.000 con lợn giống và khoảng 1.500 liều tinh lợn đực giống Lũng Pù thuần chủng. Sau khi xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập trung, HTX Tuấn Dũng duy trì thường xuyên 2 - 3 lợn đực giống và 50 lợn nái sinh sản đảm bảo tiêu chuẩn. Trong quá trình triển khai, HTX trực tiếp bố trí nhân lực, chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác lợn đực giống và nái sinh sản theo quy trình hướng dẫn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện chăn nuôi. Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, cho biết: Quá trình thực hiện Đề án, HTX được hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn, vắc-xin phòng trị bệnh; được hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, bảo tồn giống lợn thuần chủng. Do đó, đàn lợn sinh trưởng tốt và đã cung cấp con giống thuần chủng tuyển chọn cho các hộ tham gia phát triển đàn lợn đen Lũng Pù. Đặc biệt, HTX tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương tham gia chăm sóc đàn gia súc trong trang trại.
Theo nhận định của đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: Việc bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đề án đã tạo mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, tham gia có hiệu quả chuỗi sản phẩm lợn đen Lũng Pù; góp phần bảo tồn nguồn gen quý một cách bền vững; tạo việc làm, thăng thu nhập từ chăn nuôi. Đó là cơ sở để thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về đích.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc